HomePhật học

Quan điểm bình đẳng về sự tu hành và chứng đạo của Đức Phật

Đức Phật và quan điểm bình đẳng về Đạo đức
Đức Phật và luận điểm bình đẳng trên phương diện Pháp lý xã hội
Đức Phật và quan điểm bình đẳng trên phương diện sinh học

PGQ12 – Phật giáo khẳng định rằng tất cả chúng sinh hữu tình đều có khả năng tu hành và chứng đắc các quả vị. Tuy nhiên, thời gian và cách thức tu tập sẽ có sự khác nhau, tùy thuộc vào căn cơ, duyên lành của mỗi loài, mỗi cá thể. Nhưng điều này cũng đủ cơ sở làm nền tảng cho luận điểm bình đẳng, không phân biệt trong giáo pháp của đạo Phật về hành trình đi đến giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn.

Tất cả mọi người đều bình đẳng trong giáo pháp, đều có thể tu học và chứng đạt các quả vị tối thắng, nếu thực hành theo đúng những lời dạy của đức Phật

Theo Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư Tử Hống thuộc Kinh Trường Bộ, đức Phật đã đưa ra các phương pháp thực tập để diệt trừ các pháp cấu uế, tăng trưởng các pháp thanh tịnh, đưa đến dứt khổ, được vui bằng Chánh tri kiến, đạo đức, thiền định dù người đó là ai, theo đạo nào, làm gì trong xã hội.

Đức Phật dạy rằng: “‘Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chơn trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ Thuyết pháp.’ Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự mình chứng biết, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại Cứu cánh Phạm hạnh và mục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy cần có bảy năm.[1]

Mặt khác, quan điểm bình đẳng về giới tính, giai cấp, địa vị trong sự tu chứng đã được đức Phật áp dụng ngay từ buổi đầu thành lập Tăng đoàn. Bằng chứng là đức Thế Tôn đã chấp nhận và cho phép tất cả những người nam từ mọi tầng lớp, giai cấp, dòng dõi đều có thể gia nhập Tăng đoàn và thực tập theo giáo pháp của Ngài. Riêng đối với người nữ, đức Phật có phần khắt khe hơn.

Theo Kinh Mahāpajāpatī Gotamī thuộc Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật đã 3 lần từ chối bà Mahāpajāpatī Gotamī về lời thỉnh cầu cho nữ giới được xuất gia và gia nhập Tăng đoàn. Thêm vào đó, khi Tôn giả Ānanda thỉnh cầu cho bà Mahāpajāpatī Gotamī được gia nhập Tăng đoàn, đức Phật cũng từ chối cả 3 lần. Cụ thể, đức Phật nói rằng: “Thôi vừa rồi, này Ānanda, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Thế Tôn thuyết giảng.[2]

Tuy vậy, khi Tôn giả Ānanda tiếp tục thỉnh cầu và hỏi về quả vị của người nữ nếu được xuất gia và tu học theo giáo pháp của Như Lai thuyết giảng, đức Phật đã trả lời rằng, họ có thể chứng được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai và cả A-la-hán quả. Về sau, đức Phật đã đồng ý cho người nữ được phép xuất gia, thọ Cụ túc giới nếu chấp nhận tuân thủ Tám kính pháp. Ngoài ra, số lượng giới học của Tỳ-kheo ni cũng nhiều hơn Tỳ-kheo (Tỳ-kheo ni phải thọ trì 311 giới theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy; 348 giới theo truyền thống Phật giáo Đại thừa).

Điều này đã làm dấy lên tranh cãi về sự phân biệt giới tính, bất bình đẳng nam nữ của đức Phật vào thời sau. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm và phân tích về vấn đề này đã cho rằng, đức Phật vô cùng tinh tế khi đề ra những điều kiện như vậy cho các Tỳ-kheo ni thọ trì trong hoàn cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại lúc bấy giờ. Khi đó, xã hội Ấn Độ đang trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng vô cùng khắc nghiệt, người nữ chỉ được xem như những người hầu, phục vụ… nên việc gia nhập tăng đoàn, đứng ngang hàng với người nam là một điều không thể chấp nhận được. Do đó, đức Phật đã khéo léo thể hiện bằng sự từ chối nhiều lần, đồng thời đề ra Bát kỉnh pháp với mục đích bảo vệ người nữ nói riêng và bảo vệ Tăng đoàn nói chung.

Tựu chung lại, có thể thấy rằng, ngay từ thời kỳ mới thành lập, Phật giáo đã có quan điểm rõ ràng về bình đẳng và phê phán, không đồng ý với việc phân chia giai cấp, đẳng cấp trong xã hội loài người. Trong suốt quá trình phát triển sau này, Phật giáo cũng không có sự nhượng bộ hay thay đổi quan điểm này. Vì lẽ rằng, tất cả mọi quy ước, hệ thống, giai cấp, địa vị… đều do con người đặt ra và tự ép buộc người khác phải thực thi.

Vậy nên, những yếu tố đó không thể nào tồn tại trong Pháp và Luật của Như Lai – nơi mà đạo đức, trí tuệ, sự hành trì giới luật, phạm hạnh, thực hành thiện pháp được đề cao, kính trọng và tôn quý. Khi một người gia nhập vào hàng ngữ Tăng đoàn hoặc tham gia vào cộng đồng Phật giáo thì tất cả các yếu tố về dòng dõi, nguồn gốc, đẳng cấp, địa vị, giàu nghèo đều bị bỏ lại phía sau, không ai truy xét đến. Tất cả mọi người đều bình đẳng trong giáo pháp, đều có thể tu học và chứng đạt các quả vị tối thắng, nếu thực hành theo đúng những lời dạy của đức Phật. Thế nên, Phật giáo đã góp một phần tiếng nói vô cùng quan trọng để thay đổi nhận thức và xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, bảo vệ những người yếm thế trong xã hội loài người.

Ngộ Tự Thọ


[1] “Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư Tử Hống” trong Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.456.

[2] “Kinh Mahāpajāpatī Gotamī”, Phẩm Gotamī, Chương Tám Pháp trong Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.1003.

COMMENTS

WORDPRESS: 0