HomePhật học

Đức Phật và quan điểm bình đẳng trên phương diện sinh học

Quan điểm bình đẳng về sự tu hành và chứng đạo của Đức Phật
Đức Phật và quan điểm bình đẳng về Đạo đức
Đức Phật và luận điểm bình đẳng trên phương diện Pháp lý xã hội

PGQ12 – Xét lại lịch sử thời điểm đức Phật thành lập Tăng đoàn, có thể thấy, xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ mang nặng tư tưởng phân chia giai cấp, chủng tộc, phân biệt giới tính, địa vị xã hội hay quả vị tôn giáo. Đức Phật là người tiên phong thay đổi những tư tưởng này bằng một cuộc cách mạng giải phóng người dân khỏi những áp bức, bóc lột, sự nô lệ của giai cấp và kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính.

Vì vậy có thể nói, đức Phật là người đầu tiên đề cập đến và thực thi các chính sách bình đẳng trong Tăng đoàn tại Ấn Độ cổ đại lúc bấy giờ. Giữa một xã hội vô cùng khắc nghiệt về giai cấp, địa vị, giới tính, đức Phật đã mạnh dạn đổi mới, thực thi một cuộc cách mạng về bình đẳng. Bằng chứng cho tư tưởng này được mô tả qua những lời dạy sau: “Không phải do sanh ra người ta trở thành Bà-la-môn; Không phải do sanh ra người ta trở thành kẻ hạ tiện; Do hành động (nghiệp) người ta trở thành Bà-la-môn; Do hành động (nghiệp) người ta trở thành kẻ hạ tiện”[1].

Tăng đoàn Phật giáo lúc bấy giờ là tổ chức tôn giáo duy nhất cho phép và tiếp nhận tất cả thành viên của mọi tầng lớp xã hội. Tăng đoàn cũng không hề đặt ra bất cứ điều kiện gì để phân loại, đánh giá nguồn gốc xã hội của Tăng chúng. Khi gia nhập Tăng đoàn, nguồn gốc, giai cấp, địa vị xã hội đều không còn quan trọng và không ai truy cứu đến, mọi thành phần xã hội sau khi quy y Tam Bảo đều được gọi là “Phật tử”.

Nói cách khác, đức Phật không chấp nhận và còn phê phán mạnh mẽ những quan điểm phân biệt tầng lớp, địa vị, sự cao thấp giữa con người với nhau dựa trên nguồn gốc, nơi chốn hay đẳng cấp mà họ sinh ra. Trong rất nhiều bài kinh, đức Phật đã phân tích và minh họa cụ thể để dẫn chứng cho luận điểm bình đẳng, giống nhau về mặt sinh học của con người.

Cụ thể, trong Kinh Vasettha[2], đức Phật đã phản bác quan điểm về nguồn gốc bảy đời thanh tịnh về phía cha, bảy đời thanh tịnh về phía mẹ hoặc thành tựu các hạnh, các giới cấm là một vị Bà-la-môn. Ngài đã chỉ ra rằng, dù các loài hữu tình do sự sinh đẻ tự nhiên mà có sự khác nhau như các loài cỏ cây, côn trùng, bò sát, thú bốn chân, chim chóc, các loài thủy tộc… Tuy nhiên, trong thế giới loài người không có sự khác biệt nhiều như vậy. Mọi người sinh ra đều có một đầu, trên đầu có tóc, hai mắt, một mũi, một miệng, hai tai, hai tay, hai chân… Vì thế, không thể gọi một người là Bà-la-môn thông qua tướng sanh. Do đó, có thể khẳng định rằng, con người không có sự phân biệt cao thấp, hơn thua về mặt sinh học.

Trong Đại Kinh Sư Tử Hống[3], đức Phật cũng trình bày bốn hình thức sinh trưởng gồm: Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Cụ thể, có các loài sinh ra từ bào thai, sinh ra từ trứng, sinh ra do điều kiện ẩm thấp và sinh ra do sự tiến hóa. Thông qua bản kinh này, có thể nói, đạo Phật là tôn giáo đầu tiên và duy nhất đề cập đến vấn đề tiến hóa trong tự nhiên. Điều này thể hiện trí tuệ vượt bậc của đức Phật – một bậc Toàn tri, những kiến thức của Ngài đi trước khoa học và nhân loại hàng ngàn năm. Và dù có 4 loại sanh như vậy, nhưng tất cả con người chúng ta sinh ra trên cõi đời này đều do thai sanh. Tuy ngày nay, khoa học phát triển, người ta đã thử nghiệm các phương pháp thụ thai nhân tạo, thụ tinh ống nghiệm… nhưng về bản chất, con người sinh ra đều thông qua bào thai của người phụ nữ. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, không có sự khác biệt về mặt sinh học trong thế giới loài người.

Hơn thế nữa, sự bình đẳng còn được thể hiện trong các quy luật tự nhiên để tạo nên thế cân bằng sinh học. Ví dụ, những loài động vật ăn cỏ đã có thể đứng vững, bước đi và ăn uống từ rất sớm ngay sau khi sinh ra. Còn các loài động vật ăn thịt nói chung, bao gồm cả con người, cần rất nhiều thời gian nuôi dưỡng, từ vài tuần đến vài tháng, thậm chí là nhiều năm, mới có thể trưởng thành và tự thân vận động, tìm kiếm thức ăn, phát triển, sinh đẻ… Chính điều này đã giúp duy trì cân bằng sinh học tự nhiên giữa các giống loài.

Mặt khác, đức Phật còn lấy ví dụ về sự đa dạng sinh học của các giống loài, đương cử như các loài thủy tộc để làm căn cứ tương phản rằng không có sự đa dạng tương tự trong thế giới loài người. Dù cho một người sinh ra từ đâu, làm nghề nghiệp gì, được nuôi dưỡng ra sao, được giáo dục bằng phương pháp nào thì vẫn không có sự khác nhau, vẫn phải được đối xử bình đẳng như nhau trong mọi hoàn cảnh, xã hội.

Đây chính là luận điểm bình đẳng về mặt sinh học của thế giới loài người trong Phật giáo. Mọi cá thể con người sinh ra trong cõi Ta-bà này đều giống nhau, không có những dấu vết khác nhau, trừ trường hợp có những dị tật bẩm sinh do sự trổ quả của nghiệp báo từ nhiều đời, nhiều kiếp trước. Và dù có những dị biệt đó cũng không thể phân biệt, đối xử với họ bất bình đẳng. Chính vì thế, đức Phật chủ trương con người bình đẳng với nhau dựa trên góc độ sinh học và chống lại các quan điểm phân biệt giai cấp, chủng tộc, địa vị, giàu nghèo…

Ngộ Tự Thọ


[1] Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận. NXB. Phương Đông, Cà Mau, 2009, tr.120-21.

[2] “Kinh Vasettha” trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.759.

[3] “Đại Kinh Sư Tử Hống” trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.85.

COMMENTS

WORDPRESS: 0