HomePhật học

Đức Phật và quan điểm bình đẳng về Đạo đức

Đức Phật và luận điểm bình đẳng trên phương diện Pháp lý xã hội
Đức Phật và quan điểm bình đẳng trên phương diện sinh học
Quan điểm bình đẳng về sự tu hành và chứng đạo của Đức Phật

Trong bản Kinh Madhurā, Tôn giả Mahākaccāna đã nêu lên luận điểm bình đẳng về đạo đức. Những vị Khattiya, Bà-la-môn, Sudda, Vessa nếu từ bỏ các hành vi ác, từ bỏ nói láo, cạo bỏ râu tóc, rời bỏ gia đình sống đời Sa-môn thanh tịnh, thọ trì các giới luật, thiện pháp, Phạm hạnh… thì đều xứng đáng được kính trọng, tôn quý, xứng đáng thọ nhận y áo, vật phẩm cúng dường, sàn tọa, thuốc men trị bệnh, xứng đáng được nhận sự cung kính, đảnh lễ và bảo vệ, che chở, hộ trì đúng pháp.

Tâm tốt sẽ thực hiện các hành vi tốt, ngược lại, tâm xấu sẽ dẫn đến tạo tác các hành vi xấu

Đặc biệt, luận điểm đạo đức về bình đẳng, được đức Phật nhấn mạnh đến tính chủ thể của hành vi. Cụ thể, đó chính là tính làm chủ, đạo diễn của tâm khi thực hiện hành vi. Tâm tốt sẽ thực hiện các hành vi tốt, ngược lại, tâm xấu sẽ dẫn đến tạo tác các hành vi xấu. Khi tạo tác hành vi như thế nào, thì sẽ nhận lãnh những quả báo thiện hay các hậu quả tương xứng.

Mặt khác, các hậu quả của hành vi ác được phân chia thành hai dạng: Thứ nhất là hậu quả về mặt pháp lý, pháp luật; Thứ hai là hậu quả về nghiệp báo, nhân quả. Cả  hai hệ thống hậu quả này luôn vận hành song song với nhau, bổ trợ cho nhau. Trong thực tế, có nhiều trường hợp, những hành vi ác, phạm pháp có thể tránh được những hậu quả về mặt pháp lý, trong đời sống hiện tại vẫn có thể trốn tránh sự trừng phạt của luật pháp. Vì một lẽ, các biện pháp chế tài của luật pháp do con người đề ra và thực thi, nên vẫn có những kẻ hở, không thể kiểm soát tuyệt đối. Tuy vậy, có thể khẳng định rằng, người đó không thể tránh khỏi sự chi phối của hệ thống luật nhân quả, nghiệp báo. Hệ thống này vận hành theo quy luật của vũ trụ, tự nhiên, tự động, không phân biệt giai cấp, địa vị, dòng dõi, giàu nghèo… bất luận là ai cũng sẽ phải nhận lãnh những quả báo tương xứng.

Một dẫn chứng khác, trong Kinh Chủng Đức[1] thuộc Kinh Trường Bộ, đức Phật đã phản bác luận điểm của các Bà-la-môn cho rằng họ có huyết thống thuần khiết bảy đời, thông hiểu ba bộ Vệ-đà, giỏi thần chú, tướng mạo đoan trang, đầy đủ đức hạnh… và Ngài cho rằng, chỉ có trí tuệ và đạo đức làm cho con người trở nên tối thắng chứ không phải do một yếu tố nào khác.

Bằng những kiến thức và tài biện luận của mình, đức Phật đã khiến các vị Bà-la-môn tự mình từ bỏ các tiêu chí, tiêu chuẩn, khuôn mẫu về một hình tượng chuẩn mực của danh xưng Bà-la-môn. Đồng thời, Ngài đã khẳng định rằng: “Này các Bà-la-môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.[2]

Nói tóm lại, luận điểm bình đẳng về phương diện đạo đức được đức Phật đặt trên nền tảng của nhân duyên và quả theo hai chiều hướng: Duyên thuận sẽ tăng trưởng và trổ quả tốt; Duyên nghịch sẽ bị tiêu diệt, loại trừ hoặc trổ quả xấu. Và bất kỳ đối tượng nào cũng đều chịu sự chi phối của hai chiều hướng này một cách công bằng, bình đẳng, không có sự ngoại lệ, thiên vị.

Ngộ Tự Thọ


[1] “Kinh Chủng Đức” trong Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.79.

[2]  “Kinh Chủng Đức” trong Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.88

COMMENTS

WORDPRESS: 0