Cũng theo Kinh Assalāyana trong Kinh Trung Bộ, đức Phật cho rằng không tồn tại thể chế chính trị cha truyền con nối, dòng dõi quý tộc, thanh tịnh đời đời kiếp kiếp. Vì vậy, giai cấp Bà-la-môn tự cho mình là thanh tịnh, tối thượng, còn các tầng lớp, giai cấp khác là bất tịnh, hạ liệt, hèn kém… là điều không thể chấp nhận được.
Cụ thể, giai cấp Bà-la-môn tự cho rằng những người sinh ra là Bà-la-môn đều thanh tịnh bảy đời về phía cha, bảy đời về phía mẹ, thông thuộc ba bộ kinh điển Vệ-đà, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về thuận thế luận… nên họ có quyền đứng trên những tầng lớp khác. Còn những những người không thuộc tầng lớp Bà-la-môn thì không có quyền thọ hưởng các quyền lợi của giai cấp tối thắng mà Bà-la-môn đề ra.
Tuy nhiên, đức Phật đã phản bác các luận điểm trên rằng, vẫn có những người thuộc tầng lớp Bà-la-môn nhưng không đạt được các yếu tố trên, hoặc ngược lại, các tầng lớp, giai cấp khác, nhưng lại thông thuộc các kinh điển Vệ-đà, thực hành các phạm hạnh tối thắng, thành tựu đầy đủ các đức hạnh của bậc trí thì vô cùng đáng quý và xứng đáng để thọ nhận các quyền lợi tương xứng. Mặt khác, khi các vị Bà-la-môn hay các vị ở giai cấp nào khác thực hiện các hành vi thiện thì sẽ được nhận các quả báo thiện, sanh thiên giới, thiện thú, hoặc ngược lại, họ thực hiện các hành vi bất thiện thì vẫn phải thọ nhận các quả báo đọa xứ, ác giới như nhau.
Luận điểm tiếp theo, đức Phật đưa ra ví dụ về hai giai cấp địa chủ và nông nô của các quốc gia điển hình, nhưng hai giai cấp này luôn có sự thay đổi vị trí cho nhau, địa chủ thành nông nô và nông nô đã trở thành địa chủ khi có tình trạng đấu tranh, lật đổ, thay đổi thể chế… Cụ thể, đức Phật hỏi thanh niên Assalayana:
Này Assalāyana, Ông nghĩ thế nào? Ông có nghe chăng? Tại các biên địa quốc độ khác như Yona và Kamboja, chỉ có hai giai cấp: Chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân?[1]
Vấn đề này có thể diễn đạt và hiểu đơn giản thông qua câu thành ngữ “thắng làm vua, thua làm giặc”. Tức là, địa vị, giai cấp xã hội được phân chia dựa trên sự đấu tranh và sức mạnh của từng phe phái. Bên nào có sức mạnh vượt trội về kinh tế, quân sự, khí tài… thì bên đó sẽ kiểm soát thế trận và giành phần thắng. Vì vậy, không có sự phân chia giai cấp nào là tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối do còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả về chủ quan và khách quan.
Theo Kinh Madhurā[2] thuộc Kinh Trung Bộ, dựa vào các nguyên lý bình đẳng của đức Phật, Tôn giả Mahākaccāna đã phân tích và giải thích cho vua Madhurā về các luận điểm bình đẳng. Ngài cho rằng, sở dĩ con người được quyền ra lệnh cho người khác, yêu cầu người khác phải phục vụ mình là nhờ có sức mạnh về kinh tế, tài chính, có tài sản lớn, giàu có… Và bất kỳ người nào sở hữu tài sản lớn đều có quyền yêu cầu những người khác phải phục vụ mình, cung cấp cho mình những tiện nghi, dịch vụ, sự phục tùng, hầu hạ… Do đó, không riêng gì giai cấp Bà-la-môn mới có những quyền lợi tối thượng, mà bất kỳ ai cũng có thể có được những quyền lợi tối thượng này, nếu họ có tiềm lực về kinh tế.
Qua đó, Tôn giả Mahākaccāna đã dùng chính những luận điểm này để phản bác lại các quan điểm phiến diện cho rằng giai cấp Bà-la-môn, giai cấp Sát-đế-lỵ, hay duy nhất giai cấp nào khác là số một, thượng đẳng… Vì nhiều người là thương gia, địa chủ sở hữu tài sản lớn thuộc nhiều tầng lớp giai cấp khác, họ vẫn có quyền lực quyết định và điều khiển nhiều vấn đề trong xã hội. Đây có thể được xem là quan điểm cấp tiến, thiết thực của đức Phật và các đệ tử của Ngài lúc bấy giờ về vấn đề bình đẳng dựa trên cơ sở Pháp lý xã hội.
Mặt khác, trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay, xã hội chúng ta đã hình thành nên cơ chế “thuận mua vừa bán”. Các nhà bán hàng, nhà cung cấp đã đặt ra quy tắc ngầm “khách hàng là thượng đế”. Mọi doanh nghiệp luôn luôn cố gắng làm hài lòng khách hàng bằng nhiều phương thức khác nhau từ khuyến mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành… Và hiển nhiên, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn khi có tiền, có tài sản lớn để chi trả cho các hành vi mua của mình. Đồng thời, khách hàng còn có quyền lực quyết định số phận của các nhà cung cấp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu từ khách hàng, họ có thể bị tẩy chay, thậm chí là phá sản.
Về phương diện chính trị, trong thời đại ngày nay, các chính trị gia trên thế giới khi tranh cử các chức vụ, các vị trí quyền lực chi phối quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi sức mạnh tài chính. Nếu không có các tài phiệt, những doanh nghiệp, tập đoàn lớn tài trợ kinh phí để tranh cử thì tỉ lệ phủ sóng truyền thông, nhận được sự ủng hộ của người dân, thắng bầu cử cũng rất khó khăn.
Tựu chung lại, đức Phật thể hiện quan điểm bình đẳng trên khía cạnh Pháp lý xã hội rất rõ ràng và cụ thể. Đã là con người, dù thuộc giai cấp, tầng lớp, dòng dõi như thế nào đều không quan trọng, mà vấn đề cần quan tâm chính là đạo đức, phạm hạnh, sự hành trì giới luật, thực hành các thiện pháp…
Ngộ Tự Thọ
[1] “Kinh Assalāyana” trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.710
[2] “Kinh Madhurā”trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.631.
COMMENTS