Sự khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam đã thể hiện rõ vào đầu thế kỷ XX. Minh chứng là sự thống trị của Nho giáo, sau đó là sự du nhập của Công giáo và những chính sách ủng hộ của chính quyền với các tôn giáo, tín ngưỡng này đã làm cho đạo Phật trở nên mờ nhạt.
Thêm vào đó, một số tôn giáo mới được thành lập trong giai đoạn này lại có tầm ảnh hưởng lớn, nhanh chóng bành trướng và thu nhận được nhiều tín đồ. Điều này gây nên một áp lực rất lớn đối với Phật giáo tại Việt Nam
Nguyên nhân suy yếu của Phật giáo còn bắt nguồn từ sự suy giảm vị thế của chữ Hán, trong khi đây là ngôn ngữ chính dùng để truyền bá tư tưởng, giáo pháp, kinh văn của đạo Phật. Khi chữ quốc ngữ thịnh hành, cộng thêm việc sử dụng tiếng Pháp trong xã hội đã tạo ra những rào cản về ngôn ngữ đối với tín đồ Phật giáo khi muốn tìm hiểu, tiếp cận Phật pháp. Thậm chí, nhiều tăng, ni, Phật tử trước đây chưa nắm vũng được chữ Hán, giờ đây còn phải tiếp cận với ngôn ngữ mới nên càng bị mất gốc và chìm sâu trong vô minh về những giáo lý căn bản của đức Phật.
Thêm vào đó, sự suy thoái của hàng ngũ tăng già, lơ là việc truyền bá đạo pháp chân chính đã dẫn đến những lầm tưởng trong quần chúng nhân dân về đạo Phật, từ đó tôn sùng mê tín dị đoan, chỉ lo cúng kính mà không tìm hiểu giáo pháp. Việc thiếu một tổ chức thống nhất để quản lý, điều hành tập thể tăng ni và Phật tử khắp cả nước cũng dẫn đến tình trạng rối ren và suy tàn của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.
Chính những điều này đã tạo động lực, thúc đẩy Phật giáo phải thực hiện việc chấn hưng để vực dậy nền Phật giáo Việt Nam. Vì thế, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại, vững mạnh và phát triển hưng long ngày nay. Cụ thể, phong trào có những ý nghĩa sau:
- Khắc phục những hạn chế và vực dậy nền Phật giáo Việt Nam đang trên đà suy thoái và bị cạnh tranh bởi những tôn giáo khác, điều này có ý nghĩa với sự tồn vong của đạo Phật tại Việt Nam.
- Tổ chức hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cả nước, có quy củ, hoạt động với đường lối chung. Nhờ vậy, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cách đây 40 năm trên nền tảng thống nhất 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức hội, hệ phái Phật giáo cả nước, đã chứng tỏ tính đúng đắn và nền tảng vững chắc của phong trào chấn hưng.
- Nhờ kế thừa những giá trị truyền thống của Phật giáo, chắt lọc những tinh hoa, bài học từ phong trào chấn hưng và các hội Phật giáo trong lịch sử mà Phật giáo Việt Nam ngày nay có thể phát huy, linh hoạt vận dụng trong mọi hoàn cảnh để phát triển cùng thời đại.
- Phong trào chấn hưng đã có những hành động thiết thực, góp phần bảo vệ và truyền trao những tri thức quý giá của đạo Phật cũng như của văn hóa, xã hội Việt Nam. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam cần tích cực phát huy tinh thần này trong việc đào tạo tăng tài toàn vẹn về đạo đức, phẩm hạnh và trí tuệ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nền tôn giáo, văn hóa, xã hội Việt Nam vững mạnh, hội nhập toàn cầu trong thời đại mới.
- Trong giai đoạn giao thoa giữa hai thời đại, phong trào chấn hưng đã đóng góp những yếu tố mới, tiến bộ, tiếp thu tinh hoa giữa hai nền văn minh Đông – Tây. Nhờ đó, Phật giáo Việt Nam ngày nay đủ sức bắt kịp những thay đổi của đất nước và thế giới.
- Phong trào cũng chứng minh tinh thần và mối liên hệ chặt chẽ giữa đạo pháp và dân tộc. Giúp Phật giáo ngày nay trở lại đúng với truyền thống, vai trò và vị trí trong xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và những giá trị truyền thống của Việt Nam.
Nhờ những ý nghĩa đó mà Phật giáo Việt Nam ngày nay đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều cơ sở tự viện được xây dựng phục vụ cho việc sinh hoạt tâm linh của Phật tử là người Việt ở hải ngoại. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam ngày nay còn hội nhập với thế giới thông qua hoạt động Phật giáo quốc tế Vesak và các hoạt động quốc tế khác.
Để tiếp tục phát huy những điều này, Phật giáo Việt Nam cần liên tục chấn hưng, thay đổi nhằm bắt kịp xu thế phát triển của đất nước và hội nhập toàn cầu. Hàng ngũ tăng, ni, Phật tử cũng cần phải luôn luôn học tập trau dồi kiến thức về mọi mặt của khoa học, kỹ thuật và đời sống để hội nhập và không bị tụt hậu. Bên cạnh đó, trước sự phát triển và thay đổi tích cực của đời sống vật chất, hiện nay đã có những biểu hiện suy thoái, lệch lạc về đạo đức, lối sống trong quần chúng nhân dân. Đạo Phật phải luôn là nền tảng, điểm tựa tinh thần vững chắc và đúng đắn với khế lý, khế cơ để góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh, đạo pháp hưng long, hội nhập toàn diện, kiến tạo một thế giới hòa bình, thịnh vượng và an lạc.
Ngộ Tự Thọ
COMMENTS