HomeTư vấn

Lý tưởng sống của người Phật tử

Tùy duyên làm gì cho rắc rối?
Vì sao Đức Phật vẫn còn tóc mà các Tỳ-kheo thì không?
Phật lịch được tính như thế nào?

Hỏi: Tôi là một Phật tử, đã sống trọn niềm kính tin Tam bảo, nguyện thực hành theo lời Phật dạy. Nhân buổi thảo luận về “Lý tưởng sống” cùng các bạn trong nhóm đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về lý tưởng sống của người Phật tử. Tôi mong muốn được quý Báo chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

(NGUYÊN THẢO, thaonguyen…@gmail.com)

Bạn Nguyên Thảo thân mến!

Lý tưởng sống là những tư tưởng, suy nghĩ, hành động tích cực nhằm hướng đến những giá trị, các mục tiêu tốt đẹp và cao cả. Dĩ nhiên người Phật tử phải có lý tưởng và nguyện sống theo lý tưởng Phật giáo của mình.

Khái quát, lý tưởng sống của người Phật tử là nguyện yêu thương cùng khắp; sống tốt đời, đẹp đạo; làm lợi ích cho mình và người; “Nay vui, đời sau vui” (kinh Pháp cú, kệ 16).

Cụ thể, lý tưởng sống của người Phật tử được đúc kết trong lời dạy của Đức Phật: “Không làm các điều ác/ Nguyện làm các việc lành/ Giữ tâm ý trong sạch/ Chính lời chư Phật dạy” (kinh Pháp cú, kệ 183).

Những điều ác đối với quy định của luật tục, nguyện không làm. Những điều ác đối với quy định của luật pháp, nguyện không làm. Những điều ác đối với quy định của giới luật dành cho Phật tử, nguyện không làm. Luật tục có thể bất thành văn, luật pháp có văn bản pháp quy rõ ràng, giới luật có năm giới cụ thể. Đây chính là lý tưởng sống đạo đức đầu tiên của người công dân Phật tử.

Khi tránh xa được các điều xấu ác, tự thân chúng ta đã là người tốt. Càng tốt đẹp và cao cả hơn, nếu chúng ta nguyện thực thi các hạnh lành trong đời sống hàng ngày. Những lời nói, việc làm đúng với Chánh pháp, được số đông ca ngợi, được người trí tán thán, được chính quyền tuyên dương, có lợi ích thiết thực trong hiện tại và tương lai thì đó là việc lành. Mang điều lành đến cho bản thân, gia đình, xã hội chính là lý tưởng sống phụng sự tiếp theo của người Phật tử.

Lý tưởng sống đạo đức và lý tưởng sống phụng sự như đã nêu không chỉ Phật tử mà mọi người, nếu có tâm tốt và nguyện lành vẫn có thể làm được. Không dừng lại ở đó, người Phật tử nhận thức sâu hơn là mọi việc luôn bắt đầu từ nơi cội nguồn tâm ý. Nguyện sống đạo đức và phụng sự cần phải dựa trên nền tảng tâm ý trong sạch mới bền lâu và thuần thiện. Nếu tâm ý không thanh tịnh thì tiềm ẩn nguy cơ không thể trụ vững tâm và nguyện tốt ban đầu. Vì thế, người Phật tử phải nguyện thực hành lý tưởng sống giải thoát bằng cách tịnh tâm, khai trí, “Giữ tâm ý trong sạch”.

Lý tưởng sống giải thoát thực chất là sự tu dưỡng Giới – Định – Tuệ, là thực hành Bát Thánh đạo. Về phương diện tục đế, thế gian thì thực hành Bát Thánh đạo sẽ tạo ra nền tảng, chỗ nương tựa vững chắc cho thực hành đạo đức và phụng sự. Về phương diện chân đế, xuất thế gian thì thực hành Bát Thánh đạo sẽ hướng đến giác ngộ và giải thoát. Người Phật tử tu tập Bát Thánh đạo có thể chứng đắc quả vị A-na-hàm (Bất lai), nhân của giải thoát sinh tử luân hồi.

Giới – Định – Tuệ là nền tảng, gồm thâu hết tất cả hạnh lành. Như trăm sông đều xuôi về biển cả, như dấu chân các loài thú đều lọt vào dấu chân voi, cũng vậy giáo pháp của Đức Phật bao la nhưng đều quy về Bát Thánh đạo, Giới – Định – Tuệ. Người Phật tử cần hiểu rõ và phát nguyện thực hành trọn vẹn lời Phật dạy: “Không làm các điều ác/Nguyện làm các việc lành/Giữ tâm ý trong sạch/Chính lời chư Phật dạy” trong đời sống hàng ngày, đây chính là lý tưởng sống của người Phật tử.

Chúc bạn tinh tấn!

COMMENTS

WORDPRESS: 0