HomeSức khỏe

Nhịp sinh học và thời khóa tùng lâm

Chu kỳ mặt trăng và sức khỏe
Những biến đổi của cơ thể khi bị mệt mỏi mạn tính

GN – Quy củ thiền môn được chư Tổ hoạch định, nhất là trong mùa An cư kiết hạ, với các thời khóa liên tục trong ngày từ chấp tác – lao động, thọ trai cho tới sám hối, niệm Phật, thiền tọa… bắt buộc bất cứ người xuất gia nào cũng phải tuân thủ.

Đó là cách rèn luyện tâm, điều hòa thân, giúp người tu thuận lợi trên lộ trình tu tập, có chánh niệm, định lực và phát triển trí tuệ giải thoát.

Nhịp sinh học có ở khắp mọi nơi trên trái đất: từ thực vật đến động vật, từ cơ thể sống đến các hiện tượng tự nhiên. Những thay đổi hàng ngày trong chu kỳ ngủ-thức, mùa di cư của chim, hiện tượng thủy triều là những ví dụ về nhịp sinh học. Con người không nằm ngoài sự chi phối của nhịp sinh học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ các vấn đề về nhịp sinh học và thời khóa tùng lâm.

Thuật ngữ “nhịp sinh học” xuất nguồn từ tiếng La-tinh “Circa diem”, có nghĩa là “khoảng một ngày”. Do đó khi nói về nhịp sinh học thường được hiểu là chu kỳ ngày-đêm. Ngoài ra, chúng ta còn có chu kỳ theo tuần, theo tháng, theo mùa và theo năm.

Sự đồng bộ nhịp sinh học giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài rất quan trọng đối với cơ thể. Thiếu đồng bộ giữa sinh vật và môi trường bên ngoài có thể dẫn đến sự diệt vong. Xáo trộn môi trường bên trong có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và bệnh lý.

Các đặc điểm của nhịp sinh học

Đặc điểm quan trọng của nhịp sinh học là bản chất tự duy trì. Hầu như tất cả các nhịp sinh học tiếp tục quay vòng mà không cần bất kỳ dấu hiệu thời gian nào từ môi trường bên ngoài (ví dụ: dưới ánh sáng không đổi hoặc bóng tối liên tục). Điều này cho thấy, nhịp sinh học một khi đã hình thành sẽ trở thành nếp sinh hoạt và tự điều hòa của cơ thể.

Tính chất thứ hai là nhịp sinh học bên trong có khả năng đồng bộ với các dấu hiệu thời gian bên ngoài. Chẳng hạn khi bị rối loạn giấc ngủ do đi lệch múi giờ, sau thời gian ngắn cơ thể sẽ tự điều chỉnh phù hợp với nơi ở mới. Đây là đặc điểm chứng tỏ khả năng thích ứng và hòa hợp của cơ thể đối với môi trường. Điều này cho thấy nhịp sinh học có thể thay đổi và rèn luyện sao cho khoa học.

Đặc điểm thứ ba là nhịp sinh học có yếu tố vật chất di truyền. Nhịp sinh học được kiểm soát đến cấp độ tế bào thông qua một số gen nhất định. Ở con người, đồng hồ sinh học nằm ở đáy não (vùng dưới đồi trước). Các nhà nghiên cứu còn thấy nhịp sinh học có trong phổi, gan và các mô được nuôi cấy trong ống nghiệm. Chu kỳ sinh học nội tại trung bình ở người là 24,2 giờ. Trong dân số khỏe mạnh, chu kỳ này dao động từ 23,5 đến 24,6 giờ. Điều này góp phần giải thích vì sao một số người có thói quen thức sớm trong khi số khác lại ngủ muộn.

Nhịp sinh học và thời khóa tùng lâm

Ăn và ngủ là hai trong năm món dục, thậm chí được xếp hàng đầu theo quan điểm của đạo Phật. Thời khóa tùng lâm thường chế định giờ giấc ăn ngủ nghiêm túc, xem đây là một cách để rèn luyện thân tâm. Chúng tôi nhận thấy việc chế định này phù hợp về mặt sức khỏe và y học.

Giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến nhịp sinh học. Thời gian ngủ-thức được kiểm soát bởi chu kỳ ngủ bên trong cơ thể. Con người là sinh vật duy nhất có thể thay đổi nhịp sinh học bên trong. Tuy nhiên, khi chu kỳ ngủ-thức bị lệch (như làm ca đêm…) thì tác động bất lợi sẽ xảy ra: rối loạn tâm thần, sinh lý, đặc biệt là rối loạn cảm xúc.

Thời gian ngủ có liên hệ với bệnh đái tháo đường. Ngủ nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Nhưng ngủ ít và thức khuya cũng làm rối loạn đường huyết. Thức khuya dễ gây đói bụng do tiêu hao năng lượng để duy trì sự tỉnh táo. Ăn khuya tích lũy năng lượng dưới dạng mỡ thừa, gây ra béo bụng. Tương tự, ngủ nhiều làm tăng khối lượng mỡ, giảm khối lượng nạc của cơ thể, dẫn đến tăng các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Vì vậy, ăn-ngủ tuy là hai quá trình nhưng có liên hệ qua lại với nhau.

Thời khóa tùng lâm thường chế định việc đi ngủ đúng giờ. Chính nhờ không gian tĩnh mịch ban đêm mà cơ thể sản xuất ra melatonin- một chất gây buồn ngủ. Melatonin còn có vai trò điều hòa trao đổi chất, giúp ngăn ngừa hạ đường huyết về đêm. Ánh sáng đèn hay từ các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng làm giảm tiết melatonin. Khoảng 90% người Mỹ sử dụng các thiết bị điện tử trong vòng một giờ trước khi đi ngủ. Những thiết bị này làm rối loạn nhịp sinh học và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Các biến cố tử vong như đau tim và đột quỵ thường đạt đỉnh điểm vào sáng sớm. Điều này là do huyết áp và nhịp tim tăng cao vào buổi sáng, dẫn đến tăng nhu cầu oxy cho tim. Kích thước vùng nhồi máu cơ tim dao động theo chu kỳ sinh học, nó xảy ra cao nhất vào khoảng 5-6 giờ sáng. Phải chăng vì đó mà thời khóa nhà chùa thường thức sớm?

Việc duy trì nhịp sinh học đều đặn rất quan trọng cho sức khỏe. Các thống kê cho thấy, khoảng 87% người Bắc Âu có thời gian đi ngủ chênh lệch ít nhất 1 giờ giữa ngày làm việc và ngày nghỉ. Hiện tượng này thường có liên quan đến chứng béo phì và phân hóa hành vi: như tăng uống rượu và hút thuốc vào ngày nghỉ. Mặt khác, chu kỳ mùa ảnh hưởng đến độ dài ngày – đêm.

Vào mùa đông: ngày ngắn hơn, đêm dài hơn so với mùa xuân và mùa hè. Thống kê cho thấy bệnh trầm cảm tăng lên khi lượng ánh sáng mặt trời giảm. Rối loạn tâm trạng thoáng qua này còn được gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa. Thực tế thời khóa tùng lâm thường không phân định đó là ngày trong tuần hay cuối tuần, cũng không phân định rõ theo mùa. Việc duy trì thời khóa đều đặn hàng ngày cũng góp phần hạn chế các tác động của nhịp sinh học theo mùa.

Chế độ ăn uống cũng là một phần quan trọng của lịch trình tu tập. Theo đó, hai bữa ăn chính là sáng và trưa, bữa chiều chỉ được xem là “dược thực”. Điều này cũng phù hợp với sinh lý hệ tiêu hóa. Quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột nhanh hơn gấp đôi vào ban ngày, chậm nhất vào buổi chiều tối và ban đêm. Phải chăng vì lý do này mà bữa chiều trong nhà chùa nếu có sẽ thường ưu tiên thức ăn lỏng dễ tiêu hóa?

Sử dụng thức ăn nhanh và đồ ăn vặt (ăn phi thời) gây ra hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch. Khoảng 25% dân số thế giới mắc hội chứng chuyển hóa. Những người này có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao gấp 5 lần. Chế độ ăn uống thất thường phá vỡ nhịp điệu quá trình trao đổi chất và sinh lý, dẫn đến các bệnh mãn tính và lão hóa.

Sức mạnh nhịp sinh học ở một người được xác định bởi sự kết hợp dấu hiệu bên ngoài và nhịp điệu bên trong. Mất đồng bộ lặp đi lặp lại giữa nhịp sinh học và các dấu hiệu môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư. Mặt khác, nhịp sinh học bên trong xấu đi theo tuổi tác do nhiều yếu tố. Khi nhịp điệu nội sinh giảm dần theo tuổi tác thì các tín hiệu bên ngoài ngày càng quan trọng trong việc xác định biên độ đồng hồ sinh học của cơ thể. Vì vậy, nhịp sinh học cần phải rèn luyện và thực hành từ lúc còn trẻ để cho nhịp điệu nội sinh trở thành chủ đạo và mạnh mẽ.

Tóm lại, có nhiều yếu tố bao gồm lối sống, sự kiện địa chất, yếu tố di truyền tác động đến nhịp sinh học. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng ít chú ý đến thời khóa lịch trình hàng ngày. Điều này góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Thực vật có thể sử dụng đồng hồ sinh học để “hẹn giờ” ra hoa. Chúng ta có thể thực hành thời khóa để nâng cao sức khỏe và đời sống tâm linh.

COMMENTS

WORDPRESS: 0