HomePhật học

Tinh thần cầu nguyện trong kinh Vu lan

Tóm tắt cuộc đời Đức Phật
Đức Phật: Mọi người đều bình đẳng trước Pháp luật
Tuyên ngôn Phật đản sanh
PGQ12 – Kinh Vu lan, một bản kinh ngắn nhưng hàm súc, tràn đầy ý nghĩa nhân văn, chan chứa đạo lý, thấm đẫm tình người và đặc biệt là giá trị giáo dục nhân cách với đặc trưng hiếu đạo. Vì thế, kinh Vu lan đã chinh phục lòng người, in đậm trong tâm trí, thấm sâu vào máu thịt của tất cả những người con Phật.

Kinh Vu lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ

Xuất phát từ Phạn ngữ, kinh Vu lan (Ullambana sutra) được ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch sang Hán ngữ vào thời Tây Tấn (thế kỷ III Tây lịch). Sau đó, kinh được truyền tụng rộng rãi và thu phục nhân tâm nhanh chóng, làm tiền đề để mở ra truyền thống Báo hiếu – Thắng hội Vu lan, phổ biến ở các nước Phật giáo Bắc tông.

Kinh Vu lan thuật chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên với thần lực đệ nhất mà vẫn không cứu được mẹ nơi cảnh khổ ngạ quỷ. Sau đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả đã thiết lễ trai nghi dâng cúng chư Tăng sau lễ Tự tứ, kết thúc mùa an cư kiết hạ, nhờ hợp lực chú nguyện của chư Tăng mà mẹ ngài thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, sanh về cõi trời. Phát xuất từ nhân duyên này, cúng dường Vu lan để báo hiếu cho cha mẹ quá vãng trở thành một trong những phương pháp báo hiếu phổ biến hiện nay.

Vấn đề đặt ra là phương pháp báo hiếu được Phật giới thiệu trong kinh Vu lan phải chăng chỉ dựa vào tha lực, tức nhờ chư Tăng chú nguyện mà được thoát khổ? Như thế thì điều ấy có mâu thuẫn với nhân quả-nghiệp báo không? Trong khi “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” hay tự lực vẫn là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ Thánh điển Phật giáo.

Nói về cầu nguyện, quan điểm của Thế Tôn được trình bày rất rõ ràng trong kinh Tương ưng bộ IV (Tương ưng thôn trưởng) và kinh Tăng nhất A-hàm I (kinh Ca Di Ni). Nội dung của hai bản kinh này khá giống nhau, đều xác quyết rằng cầu nguyện suông, dựa vào tha lực không thể làm thay đổi nghiệp báo của một cá nhân. Bằng hình ảnh cụ thể với những đặc tính đối lập, một tảng đá và một thùng dầu, cả hai được ném xuống dòng sông, đá nặng chìm xuống và dầu nhẹ nổi lên. Không có một sự tập trung cầu nguyện nào có thể can thiệp vào sự chìm của đá và sự nổi của dầu, vì đặc tính của đá và dầu vốn dĩ như thế.

Qua đó, Thế Tôn khẳng định nếu tạo nghiệp đen thì chịu quả báo đen và tạo nghiệp trắng thì được hưởng quả báo trắng, cầu nguyện không thể làm thay đổi nghiệp lực, nhất là khi nghiệp đã chín muồi. Rõ ràng, cầu nguyện để mong giải tội, xóa sạch ác nghiệp đã tạo, phó thác hoàn toàn vào tha lực như các Bà la môn hằng tin tưởng là một việc làm vô ích.

Tuy nhiên, cầu nguyện vẫn là một trong những nội dung tu tập trong đạo Phật. Sự cầu nguyện ấy phải được nhận thức như là sự mong ước chuyển hóa nghiệp lực đối với tự thân đồng thời soi sáng, hỗ trợ cho tha nhân chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, kể cả người chết. Và như thế, nội dung cầu nguyện trong Phật giáo không đơn thuần và hời hợt thuần tuý dựa vào tha lực hoàn toàn mà chủ yếu là tinh thần tự lực cùng với trợ duyên của tha lực.

Ai đã từng cầu nguyện thì kinh nghiệm rõ ràng là không phải bất cứ điều gì mình cầu nguyện cũng được như ý. Theo Phật giáo, đó không phải vì chư Phật, Bồ-tát không gia hộ mà người cầu nguyện phải xem xét sự tự lực của mình đã đạt đến ngưỡng để “cảm ứng đạo giao” hay chưa? Cảm ứng đạo giao là kết quả của quá trình nỗ lực, thành tâm, tịnh tín và chuyển hóa trọn vẹn. Cầu nguyện trong Phật giáo, có thể nói là một phương pháp đánh thức, thức tỉnh để chuyển hóa mang đậm sắc thái tự lực.

Đối với sự cầu nguyện của chư Tăng được đề cập trong kinh Vu lan, trước hết phải quán triệt vấn đề “nhất thiết duy tâm tạo”. Từ nơi tâm, những ác nghiệp của bà Thanh Đề (mẹ tôn giả Mục Kiền Liên) được tạo ra rồi tự chiêu cảm lấy quả báo.

Gió nghiệp làm quay cuồng và mụ mị tâm thức của bà nên chỉ luẩn quẩn trong vòng tròn khép kín đói khát, khổ bức cùng tham sân, bỏn sẻn, tật đố. Sự thống khổ bức bách cùng cực đến độ không một sát-na ngừng nghĩ. Vì thế, cần phải làm lắng dịu nổi khổ và đánh thức sự mê mờ triền miên ấy. Do đó, cần có sức mạnh tâm linh cao độ, phát huy tổng thể năng lượng Giới Định Tuệ của chư Tăng, tập trung hướng về để tưới tẩm, soi sáng, thức tỉnh tâm hồn bà.

Để thực hiện được điều ấy, thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện sau lễ Tự tứ là tối cần thiết. Sau ba tháng cấm túc an cư, nhất là sau Tự tứ, đa phần chúng Tăng đều có tiến bộ tâm linh rõ rệt, Giới Định Tuệ sung mãn, tâm hoàn toàn thanh tịnh. Thời Thế Tôn tại thế, số lượng chư Tỷ-kheo dự phần vào các quả Thánh tăng lên đáng kể sau mỗi mùa an cư.

Khi chư Tăng hợp lực chú nguyện, nguồn năng lượng tuệ giác và từ bi hướng về cảnh giới ngạ quỷ, tưới tẩm cam lộ làm cho nóng bức trong địa ngục dịu xuống, niệm đói khát như lửa cháy thiêu đốt tâm can tạm thời an tịnh, tâm thức mê mờ triền miên chợt bừng tỉnh. Đây là cơ hội quý giá thật hy hữu cho các chúng sanh trong cảnh khổ thức tỉnh, chuyển hóa để tự vượt thoát. Trong thời điểm ấy, khi sự đau khổ tạm thời gián đoạn nếu các chúng sanh biết tận dụng cơ hội hiếm hoi này phát khởi thiện tâm, tưởng nhớ đến Tam bảo, tuệ giác được sanh khởi thì tự khắc sự chuyển hóa sẽ xảy ra.

Do ác tâm keo kiệt, bỏn xẻn, tham lam và bất kính Tam bảo tạo ra chiêu cảm đói khát, khổ bức của ngạ quỷ thì cũng ngay nơi tâm ấy thức tỉnh, bừng sáng để chuyển hóa và giải thoát. “Nhất thiết duy tâm tạo” là vậy. Chư Tăng chỉ có vai trò soi sáng, trợ duyên, tiếp sức cho quá trình chuyển hóa đó, mang tính thụ động. Chính các chúng sanh phải chủ động tỉnh thức để chuyển hóa nghiệp lực của mình. Trong trường hợp, những chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, chấp nhận lấy khổ làm vui, không phát khởi tuệ giác thì chắc chắn sự giải thoát khó có thể thành tựu.

Ác tâm đẩy một chúng sanh sa vào địa ngục, ngạ quỷ thì thiện tâm của chúng sanh ấy đưa họ ra khỏi cảnh khổ. Không ai có thể làm thay họ chuyện này mà mỗi cá nhân phải nương vào nguyện lực, sức từ bi của Tam bảo để tự cứu lấy mình. Dù hoàn toàn chủ động, tự lực nhưng các chúng sanh trong cõi khổ rất cần sự hồi hướng phước báo, nhất là sự trợ duyên và soi sáng từ Tam bảo, vì thế không thể thiếu sự hợp lực chú nguyện, gia hộ của chư Tăng. Đây chính là tinh thần cầu nguyện trong kinh Vu lan.

Do vậy, muốn pháp sự cúng dường Vu lan để báo hiếu cho thân bằng quyến thuộc quá vãng có lợi ích thiết thực phải hội đủ các yếu tố cần thiết. Trước hết là sự thành tâm tịnh thí của gia chủ. Sự tịnh thí không phải ở nơi vật phẩm dâng cúng nhiều hay ít mà là tâm thành, nguyện thiết, mong muốn thân nhân thoát khổ với lòng hiếu thảo thực sự.

Tiếp đến là sự nhất tâm cầu nguyện của chư Tăng. Bởi nếu không nhất tâm thì nguyện lực bi trí không đủ mạnh để xoa dịu thống khổ và khai mở tuệ giác cho chúng sanh thức tỉnh. Quan trọng nhất vẫn là sự tiếp nhận nguồn năng lượng an lạc, giải thoát từ Tam bảo để chúng sanh tự thức tỉnh, chuyển hóa và tự thăng hoa.

Như thế, dù có hình thức cầu nguyện nhưng nội dung vẫn mang sắc thái tinh thần tự lực. Đây là tuệ giác cần phải thẩm sát để nhận thức đúng đắn về tinh thần cầu nguyện trong Phật giáo.

COMMENTS

WORDPRESS: 0