HomePhật học

Luận điểm bình đẳng về Nhân chủng học của đức Phật

Công hạnh của đức Bồ-tát Quan Âm
Kỳ 3 (kỳ cuối): Ý nghĩa của Phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX
Người không biết hổ thẹn sẽ rất khó tu

PGQ12 – Theo bản Kinh Khởi Thế Nhân Bổn[1] trong Kinh Trường Bộ, đức Phật đã phản bác lại quan điểm cho rằng giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, da trắng, được sinh ra từ miệng Phạm Thiên, là con cháu của Phạm Thiên, còn các giai cấp khác là hạ tiện, là da đen, không phải con cháu Phạm Thiên, được sanh từ bàn chân của Phạm Thiên.

Sự bình đẳng trong thế giới loài người là phù hợp với sự phát triển của tự nhiên và sự vận hành của vũ trụ

Ngài cho rằng, bất cứ Bà-la-môn nào hay giai cấp nào khác cũng đều được sinh ra tự nhiên từ thân người nữ, vẫn có những yếu tố phát triển sinh lý bình thường, tự nhiên như nhau, không có sự khác nhau. Vì vậy, không có căn cứ để cho rằng, chỉ có Bà-la-môn mới là dòng dõi của Phạm Thiên, là giai cấp tối thượng.

Trong bản Kinh Assalāyana[2] thuộc Kinh Trung Bộ, đức Phật cũng trình bày vấn đề tương tự khi thanh niên Assalāyana đến tham vấn đức Phật về quan điểm của Ngài cho rằng cả bốn giai cấp đều thanh tịnh, chứ không chỉ riêng giai cấp Bà-la-môn mới được quyền tự phong cho mình sự thanh tịnh, thượng đẳng ấy.

Mặt khác, đức Phật cho rằng, trong bốn giai cấp lớn tại Ấn Độ lúc bấy giờ gồm: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà-la đều không có sự khác biệt về quả báo khi thực hiện các hành động thiện nghiệp hay ác nghiệp. Đức Phật dẫn chứng, Ngài vẫn thấy có người thuộc một trong bốn giai cấp này thực hiện các hành vi ác nghiệp và bị người trí quở trách, hoặc thực hiện các hành vi thiện nghiệp được người trí tán thán.

Do đó, không thể căn cứ vào giai cấp để đánh giá không bình đẳng giữa loài người với nhau. Mọi quy định, tầng lớp, giai cấp đều do con người tự đặt ra và áp dụng lẫn nhau nên không thể chấp nhận. Sự khác biệt và phân biệt được chấp nhận giữa loài người với nhau chỉ có thể căn cứ trên phạm hạnh, sự đoạn tận các lậu hoặc, kiết sử, thành tựu chánh trí, được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Ngoài ra, trong Kinh Ambaṭṭha[3] thuộc Kinh Trường Bộ, cũng trình bày lại câu chuyện về thanh niên Ambaṭṭha đang cao ngạo về tính huyết thống, dòng dõi cao quý của mình và buông lời phỉ báng Thế Tôn. Theo đó, đức Phật đã thuyết giảng cho thanh niên này về dòng dõi thật sự của anh ta, đồng thời đưa ra quan điểm rằng những địa vị tối thắng của giai cấp Bà-la-môn tự dành cho mình là không hợp lý, không có cơ sở. Qua đó, đức Phật đã nhấn mạnh quan điểm bình đẳng giữa con người với nhau, không thể phân biệt địa vị và giá trị bằng cách căn cứ trên giai cấp, dòng dõi, mà cần phải dựa trên giới đức và trí đức của người đó.

Như vậy, có thể nhận xét rằng, từ khởi thủy con người sinh ra đã mang trong mình những yếu tố giống nhau về di truyền, về bộ gen. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những điểm khác biệt. Sự khác nhau ấy thể hiện thông qua quá trình trưởng thành và bị tác động, ảnh hưởng bởi điều kiện địa lý, trình độ học tập, trải nghiệm sống, văn hóa, phong tục tập quán… Đồng thời, với sự tự do trong ý chí, quyết định của cá nhân, hành vi tạo tác thiện, ác… sẽ hình thành nên những yếu tố: phân công lao động, phát triển cấu trúc xã hội, quốc gia, hình thành luật pháp, khuôn mẫu đạo đức…

Nói tóm lại, theo đức Phật, dựa trên góc độ Nhân chủng học, bình đẳng là quy luật chung, con người sinh ra đã là con người và mặc nhiên được hưởng các quyền phát triển như nhau, được quyền học tập và nỗ lực để đạt được các mong muốn cá nhân dù khác màu da, giới tính, chủng tộc… Đặc biệt, sự bình đẳng trong thế giới loài người là phù hợp với sự phát triển của tự nhiên và sự vận hành của vũ trụ.

Ngộ Tự Thọ


[1] “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn” trong Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020.

[2] “Kinh Assalāyana” trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.709.

[3] “Kinh Ambaṭṭha” trong Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.61.

COMMENTS

WORDPRESS: 0