HomePhật họcLịch sử

Kỳ 1: Khái quát Phong trào Chấn hưng Phật Giáo Đầu Thế Kỷ XX

Hòa thượng Thích Trí Quang nói về “Ngọn lửa Quảng Đức”
Huyền thoại Đản sinh
Tóm lược 60 năm phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Từ giai đoạn giữa thế kỷ 16 trở đi, Nho giáo cho thấy biểu hiện không còn đủ sức làm chỗ dựa tinh thần cho nhân dân. Liên tiếp các cuộc bạo động và tình trạng loạn lạc xảy ra ở nhiều nơi.

Phong trào Chấn hưng Phật Giáo Đầu Thế Kỷ XX

Khi đó, giới cầm quyền dần dần quay về với Phật giáo, và sự kỳ thị chống đối của Nho giáo với đạo Phật cũng suy giảm. Tuy nhiên, quyền lực chính trị vẫn nằm trong tay của thành phần Nho giáo.

Mặc dù vậy, vẫn có những nhà nho với tinh thần yêu nước, tư tưởng tiến bộ vẫn đề cao Phật giáo. Trong đó nổi bật là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu với việc đề cao tinh thần Phật giáo đời Trần và tầm quan trọng của Phật giáo với cách mạng. Đây có thể được xem là những chuyển biến tích cực trong nhận thức của giới nho sĩ trí thức với Phật giáo, góp phần cho những cuộc vận động chấn hưng Phật giáo về sau.

Trong bối cảnh Phật giáo bị Nho giáo chèn ép, không có hoạt động gì đáng kể thì vẫn có một số vị cao tăng duy trì các đạo tràng và hoạt động giảng dạy Phật pháp được thực hiện rải rác khắp mọi miền đất nước. Đây là những yếu tố góp phần làm nền tảng phát triển một cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Thêm vào đó, sự ảnh hưởng gián tiếp từ phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới và trực tiếp từ Trung Hoa đã thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam ra đời, hòa chung công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập, tự do.

Tính chất tất yếu của Phong trào Chấn hưng Phật giáo

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX có tính chất tất yếu. Bởi vì những diễn biến lịch sử của phong trào cũng gắn liền với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Do đó, để tồn tại và phát triển, Phật giáo tất yếu phải có những động thái chuyển biến phù hợp với tình hình chuyển biến của lịch sử dân tộc, hòa cùng công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Bên cạnh đó, phong trào còn có tính chất dân tộc và tính chất quốc tế, thể hiện rõ ở những điểm sau:

1. Tính chất dân tộc

Tính chất dân tộc được thể hiện ở sự sống còn cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, Phật giáo Việt Nam bắt buộc phải có sự chấn hưng nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, hoặc sẽ bị suy vong. Lúc bấy giờ, Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng suy yếu. Về mặt chính trị, bị Pháp chèn ép, đẩy lùi vị thế trong xã hội, bởi Công giáo mới là niềm tin tôn giáo chính của chính quyền thực dân. Về mối liên hệ giữa các sơn môn, tổ đình Phật giáo cũng bị chính sách chia để trị của Pháp làm cho suy yếu, tăng môn chán chường và đi đến lợi dưỡng. Về mặt quần chúng nhân dân cũng rất u buồn khi tín đồ Phật giáo không có sự hiểu biết đúng đắn về Phật pháp.

Phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đang bị chính sách chia để trị của thực dân Pháp chia rẽ trầm trọng. Điển hình là sự thành lập của các hội Phật học ba miền và sự ra đời của các Phật học đường, tạp chí Phật học phổ biến kiến thức Phật pháp phổ thông đến quần chúng nhân dân. Các hội Phật học cũng đã quy tụ được những học giả và nhà trí thức yêu nước có cảm tình với Phật giáo. Nhờ vậy, Phật giáo đã tập trung được một lực lượng đông đảo tín đồ Phật tử, lực lượng này đã có cuộc phô diễn đầu tiên tại Lễ Phật Đản ở đất thần kinh năm 1935.

Chính chất dân tộc còn được thể hiện ở các hoạt động về giáo dục của phong trào chấn hưng. Nhờ sự có mặt của các tạp chí Phật học bằng chữ quốc ngữ khắp ba miền mà các kiến thức Phật học đã trở nên gần gũi hơn với quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, các kinh sách phổ thông, vấn đáp Phật học, các buổi thuyết giảng đã tạo điều kiện cho nhiều người có thể tiếp cận và hiểu về Phật giáo dễ dàng hơn. Phật học đường của các hội Phật học cũng góp phần đào tạo tăng ni, Phật tử và các tầng lớp nhân dân thất học, mù chữ, giúp họ có đủ tài năng và đức độ để phụng sự đạo pháp đất nước.

2. Tính chất quốc tế

Tính chất tất yếu của phong trào còn được thể hiện ở tính chất quốc tế hay còn được Nguyễn Lang viết trong Việt Nam Phật giáo sử luận là “tính cách quốc tế”.[1] Phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi xướng ở Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản và Trung Hoa. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của phương Tây và loại bỏ dần những tư tưởng miệt thị Phật giáo, khiến các nhà nghiên cứu nghiêm túc, tìm hiểu và phát biểu một cách đúng đắn về đạo Phật. Chính điều này đã thúc đẩy lòng tự tin của các tín đồ Phật giáo khắp thế giới và thúc đẩy sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trước những chuyển biến tích cực của phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới và châu Á, tại Việt Nam đã có các tổ chức đoàn thể được thành lập nhằm kêu gọi và tổ chức các hoạt động của phong trào như: Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Hội An Nam Phật Học; Lưỡng Xuyên Phật Học Hội, Phật Học Kiêm Tế Hội, Hội Phật Giáo Bắc Kỳ… Ngoài ra, việc thành lập các hội này cũng là xu thế tất yếu để chống lại chính sách chia để trị của thực dân Pháp, giúp khắc phục những hạn chế về tình trạng thiếu sự liên kết giữa các sơn môn với nhau và với quần chúng nhân dân.

Ngộ Tự Thọ


[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III. NXB. Văn Học, Hà Nội, 2011, tr.758.

COMMENTS

WORDPRESS: 0