GN – “Khánh châm giới chi tương đầu” là Tổ Phước Huệ muốn nói đến phẩm thứ 7 Hóa thành dụ trong kinh Pháp hoa.
Trong phẩm này, Đức Phật nói tất cả những người có mặt trong pháp hội này đã từng có mặt từ thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng và là quyến thuộc Bồ-đề của Đức Phật Thích Ca trong lúc Ngài còn tu hạnh Bồ-tát.
Lúc đó, Ngài đã cài vào thân tứ đại ngũ uẩn của những vị này một hạt châu vô giá, mà sau này, chúng ta gọi là căn lành. Nghĩa là họ đã từng được các vị Bồ-tát giáo hóa trong kiếp quá khứ, nên gặp lại, họ dễ có thiện cảm với Bồ-tát, dễ nghe theo Bồ-tát. Nói chính xác là Phật cho biết ngày nay, các vị đệ tử của Phật sẵn sàng bỏ vinh hoa phú quý, theo Phật xuất gia học đạo, vì quá khứ Phật đã trao kinh Pháp hoa cho họ và họ cũng đã hết lòng tu theo Phật, nhờ đó họ trở thành La-hán dễ dàng. Điều này cũng gợi ý rằng người nào đã tu hành từ kiếp quá khứ là có căn lành thì dễ phát tâm và dễ tu. Nhưng người ác tu thì khó vượt qua gian nan.
Vì vậy, chúng ta hiểu ba đời nhân quả, quá khứ, hiện tại và vị lai thể hiện trong câu “Khánh châm giới chi tương đầu”, tức ý nghĩa của viên ngọc quý được cài vào trong áo. Thân tứ đại là thân tội lỗi, nhưng nhờ có viên ngọc quý là căn lành mới phát tâm tu được và đạt quả vị A-la-hán cho đến quả vị Phật trong tương lai.
Tổ Phước Huệ không đọc kinh suông như chúng ta, nhưng quan trọng là ngài nhận biết được yếu chỉ kinh và ứng dụng trong cuộc sống tu hành của mình có kết quả và lấy quả đó mà giảng dạy. Đó là Bồ-tát thuyết pháp trên quả môn, tức tu hành gặt hái được kết quả và thể hiện bằng lời nói, bằng hành động, hay yên lặng, nhưng người thấy Bồ-tát là phát tâm Bồ-đề, rơi rụng phiền não. Thuyết kinh Pháp hoa là như vậy, không phải nói theo kinh rồi mỗi người hiểu khác nhau và tranh cãi, khởi phiền não. Thực tế cho thấy người học rộng nghe nhiều, nhưng hiểu sai yếu chỉ kinh và phiền não tràn đầy tâm thì dù họ có giảng Chánh pháp, Chánh pháp cũng trở thành tà pháp.
Vì vậy, Phật dạy rằng tư cách của con người là quan trọng. Thật vậy, Phật nói gì cũng là Chánh pháp. Ma nói gì cũng là tà pháp. Tăng Ni, Phật tử cần hiểu nghĩa lý kinh và ứng dụng tu hành cho được kết quả như Phật dạy.
Chúng sanh ra vô ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới còn gọi là Nhà lửa tam giới. Ai còn ở trong ba cõi này thì luôn bị nó thiêu đốt, khổ đau vô cùng. Khổ đau do lòng tham, bực tức, ngu si, kiêu mạn, sai lầm, chấp trước của con người đốt chết họ. Vì vậy, ở thế giới này, khôn hay dại cũng chết, giàu hay nghèo cũng khổ. Chỉ có người biết đúng và làm đúng như Phật dạy là không khổ và sắc thân tứ đại có chết theo quy luật, nhưng phước đức trí tuệ không chết và mang theo được trong kiếp tái sanh.
Tổ Phước Huệ ngộ phẩm Thí dụ thứ 3 trong kinh Pháp hoa nói ba xe và Nhà lửa. Nhà lửa là Nhà lửa tam giới và ba xe là ba thừa: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Chỉ có Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát ra khỏi ba cõi thôi.
Để cứu độ những người không thể tu theo ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, Phật mở thêm nhân thừa và thiên thừa, nhưng hai thừa này vẫn còn sinh tử luân hồi trong tam giới. Phật dạy rằng tu theo nhân thừa là người cư sĩ thọ Tam quy và giữ năm giới cấm thì chỗ người đó ở nhất định được an lạc, vì họ là người tốt nên không có việc xấu xảy ra. Và cao hơn, người tu mười thiện nghiệp thường ở cõi trời, nhưng khi họ hưởng hết phước thì bị đọa xuống tam giới. Tuy nhiên, dù ở trong tam giới nhưng họ là thành phần ưu tú và không khổ, vì nhờ nương theo Tam quy, Ngũ giới và Thập thiện giới cũng được Phật, Pháp, Tăng che chở, ở hoàn cảnh nào họ cũng cảm thấy an vui.
Nhưng thực sự Phật nhắm vào việc giáo dưỡng hàng Tam thừa mới ra khỏi sinh tử. Bồ-tát có năng lực tự ra khỏi sinh tử và còn dìu dắt người cùng thoát ra sinh tử. Duyên giác dùng trí quan sát các pháp mà thoát được sinh tử. Thanh văn nương theo 37 trợ đạo phẩm Phật dạy cũng ra khỏi sinh tử.
Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát tu các pháp khác nhau, nhưng chứng giống nhau gọi là nhập Không môn mà kinh Pháp hoa nói là đến bãi đất trống, hay nhập Không đại.
Điều cần lưu ý, nhiều người tu không có căn tánh Đại thừa thì đến chỗ Không này thường bị choáng ngộp. Thật vậy, nhiều người nghĩ rằng tu đắc La-hán, họ không tái sanh và lên Niết-bàn. Nhưng Niết-bàn là gì. Có người nói Niết-bàn không có linh hồn là người ta rơi vô trống không, không có gì, nhưng đó là ngoan không, không phải pháp Không theo Phật.
Còn người có căn tánh Đại thừa nhờ Bồ-tát cấy vô tâm thức chúng ta hạt ngọc báu, nên đến bể Không, chúng ta thấy khác. Người có căn tánh Đại thừa thấy khác là thấy theo kinh Pháp hoa, rằng hành giả ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống gặp ông trưởng giả là gặp Phật cho đại bạch ngưu xa. Còn đến đó mà không gặp Phật và Bồ-tát thì tan biến vào hư không là Không đại. Ý này theo kinh Nguyên thủy diễn tả rằng tới đây, tứ đại đất nước gió lửa chấm dứt, tứ đại từ từ tan biến.
Nhưng kinh Pháp hoa nói Không này là không phiền não, trần lao, nghiệp chướng, nên tâm chúng ta hoàn toàn trống không, được an lạc thì đến đây, chúng ta không khổ và thấy được Phật.
Thật vậy, tu theo Tam thừa giáo, tùy căn tánh thượng trung hạ mà có pháp tu khác nhau, nhưng đều được giải thoát và đến bãi đất trống thì ông trưởng giả mới cho một thứ xe duy nhất là đại bạch ngưu xa chỉ cho Phật thừa. Xe này trang bị tối tân hơn ba xe trước kia của Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, nhưng phải hết sạch nghiệp, Phật mới trao cho đại bạch ngưu xa. Ý này trong phẩm An lạc hạnh thứ 14 diễn tả rằng người phá phiền não ma, ngũ ấm ma sẽ được trao cho viên minh châu trên búi tóc là Phật trao hiểu biết vô thượng cho họ.
Ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống, vào đại thứ năm là Không đại. Nếu chúng ta có căn lành và nhân duyên với Phật, Bồ-tát thì Phật và Bồ-tát hiện ra.
Áp dụng trong thực tế cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rõ ý này. Thí dụ thường ngày chúng ta niệm Phật, quán tưởng thế giới Cực lạc, chúng ta nằm mơ thấy Đức Phật A Di Đà, thấy cảnh Cực lạc, thấy Thánh chúng. Đây là tiềm thức của chúng ta hiện ra, không phải tu chứng, không phải thật. Tuy không phải thật, nhưng vẫn còn tốt hơn là thấy cảnh giới ác.
Cũng vậy, rớt vô Không đại, chúng ta có nhân duyên với Phật nào thì thấy Phật đó. Kinh Dược Sư nói khi mạng chung, thân tứ đại chết, rớt vô Không đại, thấy các vị Bồ-tát Quan Âm, Đại Thế Chí, Dược Vương, Dược Thượng, Di Lặc chỉ lối đưa đường đến ao thất bảo. Vì thường ngày chúng ta tụng kinh Dược Sư đã thấy như vậy và gieo vào A-lại-da thức mình nên ngủ mơ thì những Bồ-tát xuất hiện và chết cũng thấy các Bồ-tát chỉ đường chạy ra Nhà lửa, hết khổ. Đó là ý của phẩm 14, phá phiền não ma, ngũ ấm ma, tức ra khỏi Nhà lửa, Phật cho đại bạch ngưu xa là Phật thừa.
Phật thừa hay chiếc xe có của báu như Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng… Điều quan trọng là Phật cho những đồ cao quý nhất mà trên cuộc đời không có, nhưng phải biết sử dụng. Và lên xe Phật thừa phải có trí tuệ siêu việt mới sử dụng được của báu. Khi đã sử dụng được Phật thừa hay Nhất Phật thừa thì hành giả có năng lực đi ra đi vô tam giới hoàn toàn tự tại.
Vì vậy, từ tam giới nhập Không môn, thấy biết tất cả mọi việc trong vũ trụ và chư vị Bồ-tát có sẵn Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng mới ra vô tam giới nhẹ nhàng.
Nhiều người cứ nghĩ bị tan biến vào vũ trụ, mất hết, nên sợ mất linh hồn, mới bị tà giáo mê hoặc rằng vào đạo của họ rồi mà bỏ đạo của họ để theo đạo khác thì sẽ bị ngũ lôi đánh tan xác tan hồn luôn. Người ta sợ mất linh hồn lại còn sợ linh hồn bị đưa xuống hỏa ngục. Nhưng Phật dạy rằng phiền não nghiệp chướng mình hết thì làm sao có hỏa ngục. Hỏa ngục hay nghiệp đều do tâm con người tạo ra.
Tu đúng pháp Phật, vào thế giới Không thì có những thứ vô cùng quý báu của chư Phật ở thế giới Thường Tịch Quang Tịnh độ. Thực tế cho thấy người tu trong Chánh pháp, xả hết, không vướng bận bất cứ cái gì, lại được rất nhiều công đức gọi là vô tận tạng công đức, đó là tên khác của đại bạch ngưu xa, tất cả những gì quý báu nhất có đầy đủ trong thế giới chư Phật.
Và người tu nhập Không môn, tới bãi đất trống thì lên xe Nhất thừa và hành giả trở lại tam giới cũng bằng xe Nhất thừa. Điển hình như Quan Âm Bồ-tát hiện thân làm vua, làm tướng, làm đồng nam, đồng nữ…., kinh ghi rằng Ngài thị hiện 32 ứng thân, làm xong việc, Ngài trở về bổn độ trong hư không là Tịch Quang chơn cảnh của Ngài.
Đức Phật ra vô tam giới tự do. Vì vậy, các Hòa thượng nhắc tân viên tịch Tỳ-kheo rằng các ngài từ đâu hiện ra thì xong việc, hãy trở về chỗ đó là trở về hư không, trở về Tịch Quang của mình. Nói cách khác, là biết đường về sau những tháng năm hành đạo ở Ta-bà.
Tổ Phước Huệ diễn tả ý này là “Xuất nhập cửu cư chung cứ thanh liên chi tòa”, nghĩa là từ thế giới của Bồ-tát đi lên chín tầng trời, rồi đi xuống tận địa ngục đều ngồi trên tòa sen xanh. Đó chính là Địa Tạng Bồ-tát từ cõi Tịnh Quang cỡi đề thính đi xuống địa ngục, dộng cửa một cái là Diêm vương vội vàng mở cửa đón Ngài. Còn tội nhân thì bị ngưu đầu mã diện tròng dây thòng lọng vô cổ kéo đi. Địa Tạng cứu độ tội nhân, biến địa ngục thành thiên đường và Ngài vào nhân gian cũng biến thành thiên đường trần gian.
Nói cách khác, hành giả Pháp hoa tới đâu, chỗ đó phải được an lành, tất cả tội được ngưng, vì tội là do tâm thức hiện ra. Vì vậy, khi Địa Tạng tới, tâm tội nhân liền được an vui, hay chính xác là đạo lực của Địa Tạng đã tác động vào tâm họ, khiến họ hết khổ đau, được bình yên. Ngài cứu độ chúng sanh ở địa ngục hoàn toàn tự tại không khác La hán ở Niết bàn.
Tổ Phước Huệ kết phẩm thứ 3 và phẩm thứ 4 bằng câu đối tặng cho ông thầy tụng kinh Pháp hoa lâu nhưng không hiểu. Câu đối như sau:
Tiên hứa tam xa chung dữ nhất
Tiền cư thảo xá hậu gia trung
Nghĩa là ban đầu Phật đưa ba xe là Tam thừa giáo cho Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, nhưng khi các Ngài ra khỏi Nhà lửa, thì Phật cho một xe là đại bạch ngưu xa, nhằm chỉ Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát tu pháp môn khác nhau, nhưng ra khỏi Nhà lửa thì được giải thoát giống nhau.
Và câu thứ hai có nghĩa rằng cùng tử ban đầu còn phiền não nghiệp chướng, nên phải ở ngoài am tranh để dọn sạch phân nhơ, tức thành tựu các pháp Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và Bát Thánh đạo thì phiền não, trần lao được rửa sạch. Ông mới được vào nhà trưởng giả là nhà Phật pháp. Ở nhà Phật pháp thì sao?
Ở nhà Phật pháp thì phải có thân giới đức. Cũng là thân ngũ ấm tội lỗi trước kia, nhưng được cấy vào một viên ngọc là Phật pháp, tức ứng dụng Phật pháp tu hành thì cũng chuyển đổi được thân tứ đại ô uế trở thành thân giới đức là Pháp thân Phật, nên được người kính trọng. Vì vậy, trên bước đường tu, ban đầu ví thân tứ đại là thùng phân biết đi, nhưng chuyển được tứ đại ngũ uẩn thành năm phần Pháp thân, tức vô lậu ngũ uẩn thì tứ đại trở thành ngôi đền tâm linh đáng quý trọng.
Ban đầu chúng ta tu từ hữu lậu ngũ uẩn và tu đúng Chánh pháp, xóa được phiền não, nghiệp chướng, trần lao, đồng thời phước đức trí tuệ sanh ra là Báo thân sanh ra, thì đi vào cửa Không bằng Báo thân. Và có phước đức trí tuệ rồi, chúng ta dùng trí tuệ quán các pháp, như nhìn vật thấy được cái thực của nó. Thí dụ Phật thấy lá bồ-đề rơi xuống mà Ngài thấy cả cây bồ-đề, cả hạt bồ-đề, ánh sáng, đất, nước, gió, hư không…, nghĩa là cái thấy bằng tuệ giác mà kinh Hoa nghiêm gọi đó là Trí thân. Và Phật dùng Trí thân quán các pháp, các pháp chuyển thành Pháp thân.
Theo tinh thần Hoa nghiêm, Phật giáo hóa bằng Pháp thân nghĩa là trí Phật rọi vào thân tứ đại của người tu thì người này phát trí tuệ theo Phật gọi là Phật hộ niệm. Trí Phật đưa vào Bồ-tát, Bồ-tát trở thành Phật. Nói chung, trí của Phật đưa vào thân tứ đại ngũ uẩn nào thì thân đó là Phật. Vì vậy, trí của Phật có được do Ngài thành Phật từ vô thỉ kiếp và trí Phật đưa vào thân tứ đại của Sa-môn Cù Đàm nên Ngài liền thành Phật Thích Ca.
Trải qua quá trình tu hành theo Hoa nghiêm, chúng ta phát huy thân tâm, chứng được Trí thân, hay tu theo kinh Pháp hoa, được Phật hộ niệm sẽ khiến trí chúng ta sáng lên và chúng ta lý giải được các pháp theo Phật một cách đúng đắn.
Nhưng nếu Phật không hộ niệm, trí của chúng ta sẽ bị mờ đi, vì còn phiền não, trần lao nổi dậy. Thực tế chúng ta thấy điều này, có người thông minh, có sở đắc, nhưng họ chỉ được trong khoảng thời gian nào thôi và sau đó, họ không được kết quả tốt đẹp nữa, vì không tiếp nhận được trí Phật truyền tới như lúc trước, hay không được Phật hộ niệm.
Vì vậy, Phật dạy ba pháp ấn quan trọng là giới định tuệ mà chúng ta phải gìn giữ để được Phật hộ niệm. Đó là giữ thân tâm trong sạch như hoa sen và luôn sống trong Chánh định, bấy giờ Như Lai mới gia bị cho ta được thì hiểu biết của ta là hiểu biết của Như Lai, mới có pháp của Như Lai. Còn ta học của người chỉ là hiểu biết thế gian.
Tóm lại, Tổ Phước Huệ dạy những điều quan trọng trong các phẩm thứ 3, 4, 7, 14 và cuộc sống của Tổ thể hiện tất cả yếu chỉ của kinh điển. Còn kẹt văn tự thì tụng cả ngàn bộ kinh Pháp hoa trong suốt cuộc đời nhưng không nhận được yếu chỉ nào để áp dụng trong cuộc sống là chưa có gì, thật đáng tiếc.
COMMENTS