Thật vậy, khi Đức Phật mới thành Vô thượng Bồ-đề, Ngài xuống Lộc Uyển triển khai ba pháp Tam quy, quy y Phật, quy y pháp, quy y Tăng cho năm anh em Kiều Trần Như. Chỉ chừng đó thôi, nếu nghe và đọc suông thì không có nghĩa gì. Nhưng nghe, suy nghĩ và thực tập sẽ thấy pháp Tam quy vô cùng quan trọng.
Theo pháp Tam quy, việc tu hành của chúng ta đặt trên ba tiêu chí: trí tuệ, quy luật và hòa hợp. Trước hết là trí tuệ, cho nên đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ. Vì vậy, ta quy y Phật là nương theo trí tuệ của người có trí tuệ để phát huy trí tuệ của mình. Chúng ta chỉ đọc quy y Phật, nhưng không nương theo người có trí tuệ và không phát huy được trí tuệ của mình thì cũng không có gì.
Mở đầu, chúng ta tụng kinh, quy y Tam bảo và kết thúc thời kinh là tự quy y Tam bảo, nghĩa là trở về tự tánh Tam bảo của chính mình.
Chúng ta có mười phương Tam bảo là ba đời mười phương các Đức Phật, tức chư Phật là những người có trí tuệ siêu việt, không sai lầm là Thầy của chúng ta. Đầu tiên, chúng ta tôn kính Phật Thích Ca là Thầy, nhưng Đức Thích Ca nói có rất nhiều Phật trong mười phương. Vì vậy, chúng ta phải học với mười phương Phật. Điển hình là Phật A Di Đà theo Phật Bảo Tạng, được Ngài hướng dẫn trong thiền định, đến học với vô số Phật mười phương. Thành tựu việc học với tất cả các Đức Phật này, Phật A Di Đà mới xây dựng được thế giới cực kỳ an lạc của chính Ngài. Không học kinh nghiệm hành đạo của chư Phật mười phương, chắc chắn, Ngài không xây dựng được thế giới Cực lạc.
Quy y Phật là quy y Đức Phật Thích Ca sáng suốt tuyệt đối, cho đến quy y ba đời mười phương Phật.
Quy y Pháp là thực hành giáo pháp của Phật Thích Ca, tức 12 bộ kinh. Nhưng Phật dạy rằng những gì Ngài nói thì ít, ví như nắm lá trong tay, còn những gì Ngài hiểu thì nhiều như lá trong rừng tiêu biểu cho sự sống. Vì vậy, pháp, hay 12 bộ kinh mà ta nương theo tu chỉ là phương tiện giúp chúng ta biết rõ sự sống và sống đúng quy luật của cuộc sống vì chúng ta là một mắt xích cùng với muôn loài đang hiện hữu trong sự sống của vũ trụ.
Đức Thích Ca dạy chúng ta như vậy, nhưng qua Cực lạc của Phật A Di Đà, Ngài dạy khác và qua thế giới Tịnh Lưu ly, Phật Dược Sư lại dạy khác nữa. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy vì quốc độ khác, tức sự sống khác nhau. Thực tế như đời sống ở Việt Nam khác với Phi châu và Âu châu cũng khác nữa. Mỗi nơi có nhiều thứ khác nhau, văn hóa, phong tục, hiểu biết… hoàn toàn khác nhau… Đức Phật có trí tuệ cao tột, hành đạo ở nơi nào, Ngài đều có pháp tương ưng để giáo hóa đều thành công. Cho nên, Phật dạy các pháp khác nhau, nhưng mục tiêu là Ngài nâng cao trí tuệ để họ thấy đúng, hiểu đúng và làm đúng. Ý này được ngài Nhật Liên dạy rằng giáo pháp phải tùy chỗ, tùy lúc, tùy người mà triển khai khác nhau.
Điển hình như Đức Phật Thích Ca nói pháp cho trẻ con ở thôn Ưu Lầu Tần Loa khác với bài pháp Phật nói với năm nhà hiền triết tu khổ hạnh có chiều sâu tâm linh. Nhưng về Vương Xá thành, Phật nói pháp cho vua Tần Bà Sa La không giống như pháp tu dành cho các nhà sư ở Lộc Uyển. Vì đối với các ông vua đang cai trị, Phật phải dạy pháp trị nước an dân, theo đó các ông lãnh đạo phải làm gương cho người, không phải chỉ nhân dân tuân thủ luật pháp. Nhà vua phải chấp hành luật pháp trước nhất, rồi đến các quan lại, sau cùng, nhân dân làm theo.
Vì vậy, Phật nói ba pháp khác nhau với ba đối tượng khác nhau ở ba hoàn cảnh khác nhau như vừa nói trên. Có thể khẳng định rằng pháp luôn thay đổi tùy theo thực tế cuộc sống. Phật tử phải biết rõ như vậy và thực hành theo pháp luật thế gian nói riêng và xa hơn nữa, sống đúng với quy luật của các pháp do Phật chỉ dạy. Đó là ý nghĩa quy y Pháp.
Quy y Tăng là thực hành sự hòa hợp. Ở nơi nào cũng phải có sự hòa hợp mới được an vui. Quốc gia có luật quốc gia, địa phương có lệ của địa phương. Thể hiện ý này, người Việt có câu “Phép vua thua lệ làng”. Thực tế là ta sống đúng luật thì không bị bắt và ta tu được.
Luật thì áp dụng chung cho cả nước, nhưng lệ thì mỗi làng có phong tục riêng. “Nhập gia tùy tục”, ở chỗ nào sống đúng theo chỗ đó, người ta coi mình là bạn. Còn sống theo kiểu mình thì không ai chấp nhận. Phật dạy phải sống làm sao mà người xung quanh chấp nhận thì mới sống được.
Vì vậy, giáo pháp Phật rất thực trong cuộc sống. Ai quy y Tam bảo, sống theo nghĩa lý như nói trên là trở thành Phật tử được an lạc. Dù theo Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa, hay Kim cang thừa đều phải quy y Phật, Pháp, Tăng, đó là pháp khởi đầu căn bản của đạo Phật, không thể bỏ.
Theo Phật, tu ba pháp quy y ở đâu cũng bình an và tiến lên, xa một bước là muốn được giải thoát, ra khỏi sinh tử luân hồi, vì thấy cuộc đời ngắn ngủi, tạm bợ. Những người bằng tuổi tôi, hay nhỏ tuổi hơn tôi đều chết hết. Và không bao lâu, mình cũng sẽ chết thì bắt đầu suy nghĩ về cái chết. Ta chết rồi, ta còn hay không còn và còn ở đâu? Những người đoạn kiến cho rằng chết là hết. Nhưng tất cả các tôn giáo đều công nhận có linh hồn. Linh hồn mới quan trọng, thân xác có giới hạn, linh hồn mới bất tử.
Ta quy y Phật, Pháp, Tăng rồi, trí tuệ chúng ta phát lên, bắt đầu nhận ra còn linh hồn sau khi chết, nhưng mỗi tôn giáo hiểu về linh hồn khác nhau. Linh hồn trong Phật giáo chia làm hai là chân linh và vọng thức. Ông bà ta thường nói hồn khôn, vía dại, hay ba hồn, chín vía.
Phật nói chân linh bất tử, vọng thức thuộc nghiệp và thay đổi không ngừng. Biết như vậy để tu, đoạn vọng thức, phát triển chân linh. Kinh Hoa nghiêm dạy: Con xưa đã tạo bao ác nghiệp. Đều bởi vô thỉ tham, sân, si. Từ thân, miệng, ý mà sanh ra. Tất cả con nay xin sám hối. Như vậy, vọng thức do mình tạo nên. Chân linh không ai tạo. Tu Pháp hoa, Phật ví chân linh như viên ngọc sáng, nhưng chúng ta bị vọng thức bao vây. Tu hành mài giũa cho vọng thức rớt xuống, tâm sáng hiện ra.
Ta nhận được pháp Tam quy và thực hành có kết quả, từ đó, chúng ta tu Tiểu thừa là lo tìm đường giải thoát, vì sắp chết không biết đi về đâu. Phật chỉ chúng ta về Cực lạc, hay lên Niết-bàn. Muốn lên Niết bàn, phải gạn lọc tất cả những gì của trần gian, như tiền của, sự nghiệp vật chất, chúng ta bỏ lại. Nếu còn tâm luyến tiếc, chết sẽ ở lại thành ma quỷ. Để không phạm sai lầm này, Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng quy y Phật, có trí tuệ, thấy cái gì sau khi chết còn đem theo được thì nên giữ gìn, cái gì chết không đem theo được thì đừng bận lòng, vì bận lòng khiến chúng ta ở lại, không đi được nhưng cũng không hưởng được, vì ta chỉ còn là hồn ma.
Thực tế như người có nhà cao cửa rộng, chết rồi, người khác vô ở thì tức giận, cho rằng nhà của họ mà sao dám ở. Nhưng tức mà cũng không làm gì được, phải chờ có bậc chân tu đức hạnh khuyên giải, bỏ được cái tâm tiếc của thì mới giải thoát. Vì vậy, chúng ta cầu siêu phải nhờ người chân tu đức hạnh, hồn ma mới nghe lời. Chết mà ở lại làm ma thì khổ lắm. Các Phật tử lớn tuổi phải tập bỏ lần, từ tài sản cho đến sức khỏe đều dứt khoát bỏ, nghĩa là bỏ cái nghiệp luyến tiếc rồi sẽ thấy phước của mình tăng lên.
Hồi nãy lo giữ của, ai xúc phạm đến quyền lợi, danh dự, tình cảm của mình thì mình sống chết với họ. Nhưng quy y Tam bảo rồi, nếu họ lỡ xúc phạm, với trí sáng, mình không dại gì cãi họ, chỉ khoan dung, tha lỗi thì họ sẽ thương mình. Còn ráng giữ của, giữ danh, sự nghiệp cũng sẽ mất lần. Chưa có quyền lợi, còn dễ thương, nhưng có quyền lợi bắt đầu khó chịu, bạn bè không còn thiện cảm, không hợp tác, việc làm gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, thực tu, trở thành người hiền đức, thường giúp đỡ người khó khăn, phước họ tăng.
Tôi nhớ lúc mới tu, ở với ông thầy nhà quê nhưng có tu. Hai thầy trò trồng một dây bầu, ăn không hết, một ngày có cả chục trái. Thầy trò gánh xuống xóm cho, nói rằng các vị ăn giùm. Thấy ông thầy tu hiền lành, người ta thương nên họ lại đem lên cốc, nay cho món này, mai cho món khác. Đó là phước sanh, vì có làm phước, phước mới sanh. Còn giữ của, làm sao sanh phước.
Quy y Phật, có trí, biết sống thế nào cho đúng để được an lạc. Nhìn cuộc đời ngắn ngủi, từ bỏ gia đình, xuất gia tu. Phật dạy trước hết là bỏ gia đình, sự nghiệp, níu giữ, nó ràng buộc mình chết đọa. Ràng buộc vì bị tình thương níu kéo. Thuở nhỏ, tôi đọc câu chuyện có ông cư sĩ cố gắng tu, nhưng đến lúc ông sắp chết, người vợ thương quá, kê mặt vô mặt ông mà khóc. Khi ông tắt thở, thần thức của ông chui vô mũi bà vợ, thành con giòi. Chết bị tình cảm níu kéo bị đọa là vậy.
Xuất gia tu để ra khỏi sinh tử, Đức Phật cũng phải bỏ ngôi vua, không vướng bận gì, mới được giải thoát, đắc đạo. Phật dạy tu 37 Trợ đạo phẩm vì biết cuộc đời khổ, nguyên nhân khổ và phải cắt đứt khổ, trước hết là tu quán Tứ niệm xứ. Quán thân bất tịnh, thấy thân người và thân mình không sạch, nên không sanh tâm tham đắm. Quán thọ là khổ, nên bớt lần mọi việc cho đến cắt đứt sẽ không khổ. Thứ ba là quán tâm người vô thường, hôm nay thương, mai ghét, mốt thù…, nên không bận lòng thì không khổ. Thứ tư là quán tất cả các pháp vô ngã, không thực sự tồn tại mãi, như thân này chết, không còn gì.
Miên mật suy nghĩ về bốn pháp này, không phiền não, tâm sáng lên là nhờ nương theo pháp Phật tu, cuộc sống tốt đẹp như vậy. Còn người cứ mải toan tính công danh, sự nghiệp, thì bị lòng tham che mắt, bị lòng bực tức làm mờ mắt. Nhưng thực hành pháp Phật, bỏ tham, bỏ bực tức, thấy người tốt hay xấu, mình biết rõ, không mắc lầm. Người tham không còn sáng suốt, sẽ bị mất lần, chưa kể bị bùa ngải.
Có Phật tử bị dụ cầm nhà để có tiền lời mỗi tháng mười triệu đồng, không phải làm cực khổ. Dùng số tiền đó mướn nhà mỗi tháng hai triệu, còn tám triệu tha hồ xài. Nếu không tham, có trí sẽ thấy việc đầu tư này không an toàn, vì với số vốn nhỏ nhoi mà kinh doanh làm sao lời được nhiều như vậy, hoặc gửi ngân hàng cũng chỉ lãnh lời một triệu một tháng thôi.
Phật dạy việc quan trọng phải đoạn tham, sân, si, vì nó làm mình mất khôn. Nghe nói gì, có trực giác thấy liền đúng sai, nhưng không có trực giác thì suy nghĩ một chút xem việc này có hợp lý hay không cũng biết được.
Phật dạy năm anh em Kiều Trần Như ở Lộc Uyển tu, thành tựu 37 Trợ đạo phẩm chứng Niết-bàn, ra khỏi sinh tử luân hồi. Nhưng sau Phật dạy Bồ-tát khác, Ngài có vô số pháp. Vì những người muốn ra khỏi sinh tử thì Phật dạy như vậy, nhưng với Bồ-tát muốn cứu nhân độ thế, Phật dạy pháp cao hơn.
Chẳng hạn như khi Phật tại thế, ở thành Tỳ Da Ly có nạn dịch làm chết nhiều người. Ngoại đạo cúng kiếng đủ cách nhưng không có kết quả. Bấy giờ có bà Ampabali là Phật tử giàu có sang thành Vương-xá thỉnh Phật về cứu chữa bệnh dịch này. Vì lúc ấy, những người tu cầu giải thoát, cắt bỏ mọi việc, nếu cưu mang cái khổ của người thì không thể giải thoát được. Chỉ có Bồ-tát mới dám làm việc cứu khổ tha nhân. Thanh văn thấy người khổ thì cũng thương, nhưng không thể lấy cái khổ của thiên hạ mà tròng vô mình. Dân gian có câu: “thấy thì thương, vương thì tội”.
Phật sang thành Tỳ Da Ly, Phật có công đức lớn, nên Ngài mới tới liền có một trận mưa lớn thổi bay hết dịch bệnh. Cùng đi với Phật có Kỳ Bà Thánh y dẫn theo đoàn bác sĩ để chăm sóc bệnh nhân. Lúc trước, người tu đi khất thực có thức ăn, không quan tâm đến việc khác. Nhưng lúc có dịch bệnh, Phật có bác sĩ đi theo chữa bệnh, mới có kinh Dược Sư ra đời.
Bồ-tát Văn Thù hỏi nếu có Phật và Kỳ Bà mới giải quyết được bệnh dịch này. Nhưng sau khi Phật vào Niết-bàn, không còn Phật và Kỳ Bà thì làm cách nào? Phật dạy rằng ở trên đời không có Phật nhưng người tụng kinh Dược Sư và làm theo lời dạy của Phật mà thỉnh cầu Đức Phật Dược Sư và Bồ-tát cứu giúp thì cũng giải được ách nạn. Vì vậy, từ đây, kinh Đại thừa sanh ra các Bồ-tát Đại thừa phát tâm cứu độ chúng sanh.
Ngoài ra, Phật dạy các vị đắc La-hán, không còn phiền não cũng nên phát tâm độ sanh. Lúc trước, tu hành chưa đắc Thánh quả ví như người chưa biết bơi mà xuống sông cứu người chết đuối thì cũng bị nó nhận chìm luôn. Nhưng đắc quả La-hán rồi, giống như người đã biết bơi giỏi, có khả năng cứu người chết đuối thì phải cứu. Phải phát tâm làm lợi ích cho nhiều người, được nhiều người quý trọng mới đắc quả vị Phật được. Từ yếu lý này, kinh Đại thừa ra đời.
Phật Thích Ca nói rằng Phật Dược Sư hành Bồ-tát đạo cũng giống các ông, vì đắc La-hán thấy người đau khổ thì cứu giúp, nhưng nếu không giúp không phải là La-hán, mà là tăng thượng mạn.
Nói đến đây, tôi liên tưởng đến người bạn thân cùng tu thời chiến tranh. Thầy này ở nhà tu, một hôm có một sĩ quan chết, ông tới tụng kinh. Thấy cô vợ và đàn con nheo nhóc, ông khởi tâm thương hại, nên ông bỏ tu, hoàn tục để cưu mang cô nọ và đám con. Chính vì thương, nhưng chưa đắc quả, còn nghiệp, tâm chưa sạch thì sanh ra luyến ái, không tu nữa.
Phật dạy chúng ta khi chưa đắc La-hán không nên thương, không nên cứu, mà ráng lo tu đắc đạo thì mới cứu giúp người được. Ý này trong phẩm 14, kinh Pháp hoa nói đến thệ nguyện an lạc, theo đó, thấy hoàn cảnh đáng thương nhưng mình tự hẹn lòng rằng khi nào có khả năng giúp thì sẽ tới giúp. Bây giờ chưa có khả năng mà mình giúp khiến mình cũng chết theo, nên không giúp. Nhưng đắc La-hán rồi thì phải cứu giúp người.
Đức Dược Sư tu hành, đắc La-hán, nhận thấy cuộc đời có đủ thứ khổ. Vì vậy, Ngài có 12 lời nguyện ứng với bối cảnh xã hội của Phật Dược Sư. Chúng ta coi 12 lời nguyện của Ngài có giống với thời kỳ của mình hay không.
Phật Dược Sư nói sau khi chứng quả Vô thượng Bồ-đề, nghĩa là Ngài nguyện sẽ làm, khi có khả năng làm. Vì chưa có khả năng mà làm thì thất bại. Chứng Vô thượng Bồ-đề là hào quang của Ngài chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới…, tức hiểu biết rộng, điều gì cũng biết, chia sẻ được và làm được mới dấn thân. Thật vậy, một việc xảy ra mình quan sát thấy rõ, biết rõ và làm được, mới thành công. Nhiều nhà truyền giáo không hiểu ý này của Phật, dấn thân vào những vùng mà không biết rõ những hiểm nguy bủa vây, cứ đến độ, chắc chắn chết.
Trên bước đường du hành, Đức Phật Thích Ca thấy Vô Não điên loạn, là sát nhân, nhưng Ngài còn biết Ngài độ được anh này tu hành đắc đạo. Cách đây không lâu, có một thầy nào đó thấy anh bị bệnh, lên cơn, không biết gì. Thầy thấy tội nghiệp vì anh không có chỗ ở, không có tiền ăn cơm, mặt mày cũng dễ thương, đem về chùa nuôi. Một hôm, nó lên cơn, vác dao chém chết người trong chùa. Phải biết cứu được bằng cách đưa anh này đi cai nghiện, trở thành người bình thường, tốt. Nhưng không biết rõ, đem về nuôi, cứu không được, còn bị vạ lây.
Riêng tôi, có ba lần cứu được người theo Dược Sư dạy. Lần thứ nhất, khi tôi tu học ở Nhật, có một sinh viên y khoa còn một năm thì tốt nghiệp, nhưng không có tiền đóng học phí, bị đuổi học. Tôi thấy anh này tốt thiệt, nhưng phải bỏ học mà chỉ còn một năm ra trường, thì phí cả nhiều năm đèn sách, rất khổ. Mặc dù cuộc sống của thầy tu như tôi rất đạm bạc, nhưng tôi để dành được một số tiền phòng khi khó khăn. Tôi chưa khó khăn nên cũng chưa cần đến và số tiền này cũng đủ để giúp anh hoàn thành sự nghiệp bác sĩ mà anh đeo đuổi.
Mấy chục năm sau, anh về Việt Nam thăm tôi, anh cho biết không còn người thân ở Việt Nam, nhưng con còn thầy và nhớ đến thầy. Hiện con đang chăm sóc 30 ông bà cụ già ở Nhật mà lòng con luôn tâm niệm việc làm của con là để báo đáp công ơn của thầy đã giúp đỡ con lúc bứt ngặt nhất để có được ngày nay. Có thể nói tôi đã thấy đúng, làm đúng, phước sanh, hiện đời được anh này quý mến, chắc chắn đời sau, anh sẽ là quyến thuộc Bồ-đề của tôi.
Nguyện thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng Vô thượng Bồ-đề, thân Ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn…
Sau khi thành Vô thượng Bồ-đề là thấy đúng và làm được. Còn bây giờ chưa làm được, vì thân tâm ô uế, nghiệp còn thì khuyên dạy không ai nghe. Vì vậy, Ngài nguyện có thân như ngọc lưu ly là sáng suốt hoàn toàn, có hiểu biết và đạo đức vượt trội hơn người, là tấm gương sáng thì mọi người mới tin phục, làm theo.
Thực tế các Phật tử thường than phiền rằng con họ không nghe lời, mà lại nghe lời ông hàng xóm. Tại sao nó nghe lời người hàng xóm, họ làm gì mà nó nghe? Phật Dược Sư nói thân tâm đều trong sạch, cả làng kính trọng mình thì con phải nghe chứ. Vì vậy, học kinh Dược Sư ráng luyện tập thân tâm trong sạch, không lỗi lầm, không ai ghét và cái gì cũng biết thì từ trong gia đình cho đến người ngoài nghe theo. Muốn như vậy, theo tinh thần Dược Sư, việc biết rõ và làm được mới làm.
Nguyện thứ ba: Ta nguyện đời sau khi chứng Vô thượng Bồ-đề, dùng trí phương tiện dạy chúng hữu tình khiến tin lẫn nhau, làm cho dân giàu nước mạnh.
Mình biết rõ xã hội không hòa hợp sẽ gây rối loạn, bất an, nguy hiểm. Bồ-tát hiện hữu trên đời, tìm cách làm cho mọi người hòa thuận với nhau, vợ chồng hòa thuận, cha con hòa thuận, hàng xóm hòa thuận. Còn ác ma luôn tìm cách gây chia rẽ, khiến cho vợ chồng xích mích đến tan nhà nát cửa, khiến cho hàng xóm hơn thua nhau từ lời nói đến tranh giành quyền lợi, khiến đoàn thể thường xung đột lẫn nhau…
Vì vậy, theo Dược Sư, mình thấy rõ, biết rõ và làm họ tin tưởng nhau, không thù oán nhau, có thiện cảm với nhau. Và xa hơn, làm cho dân giàu, nước mạnh mới tạo cho đất nước hùng cường, phát triển mà tấm gương sáng là Phật giáo Lý-Trần đã thành công mỹ mãn điều này.
Chúng ta tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ ý Phật dạy và áp dụng đúng đắn sẽ làm được mọi việc tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng xã hội.
COMMENTS