HomePhật học

Học theo hạnh Quan Thế Âm Bồ-tát

Công hạnh của Bồ-tát Địa Tạng
Gia trì lực của đức Quan Âm Bồ-tát
Đức Phật và luận điểm bình đẳng trên phương diện Pháp lý xã hội
PGQ12 – Với người học Phật, ai cũng nằm lòng, Đức Quán Thế Âm là vị Bồ-tát mang tinh thần “ban vui, cứu khổ”, có hạnh Lắng nghe và được xưng tụng là “Thí Vô Úy giả” – hiến tặng sự không sợ hãi. 

hanh-nguyen-bo-tat-quan-the-am-lang-nghe-de-yeu-thuong-752-2.jpg

Ta có thể “ban vui, cứu khổ”?

Mình có thể đặt ra vấn đề như vậy, để tìm khả năng thực hành tinh thần của Đức Quan Âm. Câu trả lời là có. Trước tiên, ta thực tập với chính bản thân mình – một chúng sinh còn đang khổ, chưa vui trong đời sống hàng ngày. Theo đó, ta vẫn còn bị chấp chặt, chìm đắm, trôi lăn các kiểu trong những mối quan hệ, đối đãi, trong những việc xảy đến hay mình gặp phải.

Người bạn này chưa tốt hay người thân khác thiếu tế nhị, ta buồn. Đồng nghiệp nói sau lưng, người quản lý chê mình, nhắc nhở cái sai, ta không vui. Người thương vụng về, ta trách cứ hay trả đũa bằng cách không thèm quan tâm… Những chuyện nho nhỏ như vậy, tích hợp lại, mỗi thứ, mỗi chỗ một ít khiến đôi vai bé nhỏ của mình phải gánh bao nhiêu phiền muộn, đến cuối ngày thì thấy nặng nề, khó thông.

Nếu có học Đức Quan Âm, hay hướng về Ngài rồi nhớ ra rằng, à, mình là đệ tử của Thế Tôn, là con của Đức Quan Âm và đã gọi Ngài là mẹ, vậy hà cớ chi mình không thực tập chuyển hóa, buông, bỏ những điều phiền muộn, bất như ý?

Tại sao người ta lại làm những điều chưa phải với mình? Có phải mình cũng từng khó dễ, không tốt với những người khác? Hay, họ có nỗi khổ nào chăng? Mỗi người trong cuộc sống đều có những gánh nặng mà mình không thể hiểu bởi ta không sống cuộc đời của họ.

Nghĩ về điều đó, ta sẽ tiếp tục học theo Đức Quan Âm, như trong kinh Phổ môn, cần hiện thân gì để hóa độ người thì Bồ-tát đều hiện ra thân đó để giáo hóa. Chỗ này, chúng ta có thể hiểu, đó là việc đặt mình vào đối tượng mà mình gặp để có thể hiểu họ hơn. “Biến” thành họ, hay thử sống cuộc đời của họ – bước vào hoàn cảnh mà họ đã trải, công việc họ đang đảm trách thì sẽ hiểu được họ và thông cảm cho điều họ làm, phải làm đối với mình cũng như những người khác.

Khi đó, ta có thể à lên, “nếu sếp không khó tính vậy, không nghiêm khắc trong quyết định đó thì cả tập thể sẽ loạn mất, guồng máy vận hành của hệ thống nhiều ban-ngành sao có thể hanh thông”. Rồi mình sẽ nhận ra, nếu mình vào vị trí đó, mình cũng sẽ hành xử như vậy thôi, có khi mình còn hành xử tệ hơn sếp. Nghĩ thế, tự dưng mình không còn trách lãnh đạo của mình, ngược lại sẽ cảm thông, thương người ấy hơn. Ngay phút giây thay đổi cái nhìn vì “hóa thân” vào vị trí của lãnh đạo, cũng là lúc ta trút bỏ gánh nặng nơi tự thân. Sự thực tập đó lợi cả đôi đường: mình dẹp được sự buồn phiền người kia và cũng tạo ra cho mình niềm an lạc, hòa vào đời một cách nhẹ nhàng, không dính mắc.

Có hiểu mới có thương chính là ở chỗ đó. Cái hiểu bắt nguồn từ sự lắng nghe sâu sắc, luôn đặt mình vào người và tự vấn: tại sao người ấy làm như vậy. Những đáp án tìm được phía sau câu hỏi có tính chất phản tỉnh đó sẽ giúp mình cân bằng, tự “ban vui, cứu khổ” cho bản thân, từ đó có đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống, công việc mà mình chọn, nguyện làm, được công cử, trong mọi mối quan hệ hữu duyên.

Lắng nghe cơ thể, lắng nghe từng biểu hiện

Rất ít khi ta lắng nghe cơ thể, xem “người bạn” này đang khỏe hay mệt, mệt nhiều không? Đức Dalai Lama từng nêu lên nghịch lý trong cách sống của đại đa số con người rằng: người ta cứ đổ thật nhiều sức khỏe để kiếm thật nhiều tiền, rồi sau đó lại đổ thật nhiều tiền để mong có lại chút sức khỏe.

Người hiện đại mắc “lỗi” này nhiều nhất, khi cứ “cày” ngày “cày” đêm cho những dự án với hạn chót công việc (deadline) liên tục mà không biết mình đã và đang đối xử không dễ thương với bản thân. Có một công bố y khoa gần đây khiến ai nghe cũng giật mình: đó là tỷ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng cao – trong khi trước đây, bệnh này chỉ “dành” cho người lớn tuổi. Áp lực cuộc sống, công việc, chạy đua với những giá trị vật chất đã khiến người trẻ quay cuồng trong đam mê kiếm thật nhiều tiền và đột quỵ. Đôi khi không chỉ đổ sức khỏe để làm mà nhiều người còn đánh đổi nhiều thứ khác, trong đó có việc phạm pháp. Ngày 28-9 vừa rồi, một người trẻ mở nhiều công ty không có chức năng tổ chức tour du lịch nhưng đã bán tour để lừa nhiều người, chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng bị bắt. Trước đó, hệ thống lừa đảo hàng ngàn người trong các dự án bất động sản – công ty Alibaba – cũng do mấy anh em nhà Nguyễn Thái cầm đầu bị đánh sập và đang mở rộng điều tra, cho thấy cách kiếm tiền phi pháp vẫn đang tồn tại bên cạnh kẽ hở của pháp luật, sự giám sát lỏng lẻo cũng như dựa trên sự cả tin, mong mau chóng giàu có của nhiều người khác.

Định luật nhân-quả đã biểu hiện ngay hiện tại, khi một người hay nhóm người thu lợi bất chính thì khó yên để hưởng những “thành quả” đó. Một cái cây nếu trồng tự nhiên cần có thời gian đủ để kết hoa, đơm quả và chín. Nếu muốn nhanh, phải can thiệp bằng các tác nhân bên ngoài, độc hại – có thể cũng sẽ như ý, nhưng đi kèm theo đó sao tránh những hệ lụy?

Ngày nay, vì mong muốn lợi nhuận cao và nhanh mà ngành nông nghiệp sản xuất phi tự nhiên, thông qua thuốc kích thích, thức ăn tăng trọng… đã đưa tới sự thiệt hại lớn hơn những cái được: đó là bệnh tật và nỗi lo sợ khi sử dụng thực phẩm. Chưa bao giờ ung thư nhiều như bây giờ và cũng chưa bao giờ con người hoài nghi về thức ăn, nước uống mình nạp vào cơ thể mỗi ngày như thời đại này. Vì đâu nông nỗi?

Lắng nghe, chúng ta sẽ thấy, tất cả đều có quy trình của nó – đó chính là nhân quả đã trổ ra – do chính con người nôn nóng làm giàu mà bất chấp, rồi chính mình hại nhau trong tương quan cuộc sống. Người trồng rau không dám ăn rau mình trồng nhưng không thể chối từ củ cà-rốt, trái dưa, mớ đậu… cũng đã được bơm, tẩm thuốc, phân tăng trưởng. Đó là những biểu hiện thực tế mà mình phải nghe, thấy cho sâu để bắt đầu hành động: thay đổi cách sống, sản xuất. Tinh thần ít muốn, biết đủ phải được vận hành trong mỗi mỗi ngành, nghề… để bớt giàu có nhưng tăng an vui.

Thực ra, nhu cầu con người không nhiều đến mức như vậy nhưng chỉ vì con người không biết dừng lại để sống đủ với cái đang có nên cứ phải muốn thêm, một cách tham lam, mù quáng. Nếu dừng lại, sống xanh hơn thì có lẽ Trái đất đã không kêu cứu và tăng nhiệt, những loài khác cũng không nuốt phải nhựa phế thải của con người mà chết oan khuất. Nhìn cho kỹ, theo quy luật duyên sinh, ta có thể thay đổi nơi tự thân một chút: bớt dùng bao ni-lông, đồ nhựa dùng một lần đến chấm dứt hẳn như tinh thần chỉ đạo của Ban Thường trực BTS Phật giáo TP.HCM hiện nay thì cũng đã là sống thiện lành, theo hạnh Quan Âm Bồ-tát rồi. Đó là cứu khổ, ban vui cho đất mẹ, môi trường, loài khác trong nhân duyên trùng trùng mà mình không nỗ lực thì còn chờ đợi gì nữa?

Rất nhiều người lầm tưởng rằng, phải có thật nhiều tiền, địa vị thật cao mới có thể cứu nhân loại, thế giới, môi sinh… Thực ra, ai cũng có thể làm việc ấy, đừng tự ti, bằng chính cách sống luôn lắng nghe tự thân, xung quanh mình, thời đại mình đang sống để giảm thiểu từng chút một thói quen xấu, tập dần những thói quen lành. Cứ thế, để Đức Bồ-tát Lắng nghe hiện diện trong từng hành động, Ngài như đôi mắt – trí tuệ trong bàn tay của mình – như biểu trưng của tôn tượng Phật Bà ngàn mắt, ngàn tay: làm gì cũng để trí tuệ soi sáng, tránh cảm tính và luôn thấu tình đạt lý. Được vậy sẽ an cho tự thân và yên cho cuộc đời, thực sự không quá khó!

COMMENTS

WORDPRESS: 0