Đạo Phật là tôn giáo chủ trương từ bi, bình đẳng, hòa hợp giữa mọi chúng sanh trên tất cả phương diện của cuộc sống. Đặc biệt, trong xã hội loài người, mỗi một cá thể sinh ra đều có những quyền sống cơ bản, được công nhận và bảo vệ cả trên khía cạnh pháp luật hiện đại và luật nhân quả của vũ trụ.
Chính vì thế, không một ai có quyền tước đoạt, tranh giành những quyền lợi chính đáng của người khác. Đồng thời, không một ai có thể gánh chịu những nỗi khổ niềm đau thay cho người khác.
Chính bản thân mỗi người chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho những hạnh phúc hay khổ đau của mình. Vì chính chúng ta là chủ nhân của nghiệp, của các “quả” trổ từ “nhân” chúng ta đã tạo tác trong quá khứ. Hơn thế nữa, những nhân duyên này còn có thể tác động đến tương lai mỗi người chúng ta.
Do đó, chủ trương bình đẳng của đạo Phật chính là, con người có quyền và có trách nhiệm với tất cả những gì mà chúng ta đã tạo tác nên bằng chính trí tuệ, hành động, sức lực của bản thân. Mọi người đều có những quyền và trách nhiệm này như nhau, tương xứng với chính nghiệp lực của họ.
Trong Kinh Madhurā[1] thuộc Kinh Trung Bộ, Tôn giả Mahākaccāna đã đưa ra luận điểm bình đẳng về pháp luật rằng, bất luận một người có địa vị cao hay thấp trong xã hội, thuộc giai cấp nào, giới tính ra sao, giàu hay nghèo…. khi vi phạm pháp luật đều bị trừng phạt như nhau.
Cụ thể, trong kinh thuật lại, dù là người thuộc tầng lớp Khattiya, Bà-la-môn, Sudda, Vessa nếu thực hiện các hành vi phạm pháp như đột nhập nhà cửa, cướp giật, trấn lột, tư thông vợ người khác… khi bị phát hiện thì đều phải chịu các hình phạt của luật pháp đương thời tương xứng với tội trạng. Điều này thể hiện sự bình đẳng, đồng đẳng giữa loài người với nhau trên phương diện pháp luật.
Trong xã hội ngày nay cũng vậy, bất kể là ai cũng không được quyền đứng trên pháp luật. Dù người đó là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, hay thường dân… khi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý.
Điển hình tại Việt Nam, công cuộc phòng và chống tham nhũng trong những năm gần đây đã thể hiện rất rõ quan điểm bình đẳng về phương diện pháp luật này. Đã có rất nhiều cán bộ cấp cao, đã và đang giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt trong cơ quan nhà nước… khi có những hành vi phạm pháp hoặc buông lỏng quản lý để cấp dưới sai phạm cũng đều phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.
Ngộ Tự Thọ
[1] “Kinh Madhurā”trong Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr.631.
COMMENTS