HomePhật học

Tầm quan trọng của văn học Pāli trong kho tàng văn hóa Phật giáo

Hạt ngọc báu trong tâm thức mỗi người
Tu hành cần gấp rút như cứu lửa cháy đầu
Gia trì lực của đức Quan Âm Bồ-tát

PGQ12- Tam Tạng thánh điển Phật Giáo là một bộ sưu tập đồ sộ và trọn vẹn về tất cả những gì thuộc văn hóa Phật Giáo. đóng góp những nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu Phật học không chỉ về tư tưởng Phật học mà còn về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, kể cả các trào lưu tư tưởng đương đại của xã hội Ấn Độ thời đức Phật.

Phật giáo là một minh triết đưa con người từ đau khổ đi đến hạnh phúc thật sự. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong khoảng thời gian truyền dạy đạo lí giác ngộ tại Ấn Độ đã thuyết giảng rất nhiều bài kinh, dựa vào đó chúng sinh có thể tìm thấy con đường đi đến giải thoát và an vui. Trong thời Phật còn tại thế, lời Phật dạy chủ yếu được truyền miệng và học thuộc chứ chưa được ghi chép bằng văn bản. Sau khi Phật Niết-bàn khoảng 600 năm mới xuất hiện những văn bản đầu tiên ghi lại lời Phật dạy. Khi khảo cứu nhiều nguồn tư liệu, các nhà nghiên cứu tìm thấy rất nhiều văn khác nhau ghi lại những lời phật dạy, các văn bản đều tập trung ở các dạng ngôn ngữ chính bao gồm Tạng ngữ, Hán Ngữ, Sankrit và Pāli. Tất cả đều đóng góp những nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu Phật học không chỉ về tư tưởng Phật học mà còn về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, kể cả các trào lưu tư tưởng đương đại của xã hội Ấn Độ thời đức Phật. Tam Tạng thánh điển Phật Giáo là một bộ sưu tập đồ sộ và trọn vẹn về tất cả những gì thuộc văn hóa Phật Giáo. Văn học Pāli là một trong những nguồn tư liệu quý giá phản ảnh trung thực các giá trị vừa nêu.

1. ĐÔI NÉT VỀ NGÔN NGỮ PĀLI

Về nguồn gốc ngôn ngữ Pāli, ngôn ngữ được dùng để ghi lại những thánh ngôn của Phật, đến nay vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng nhất. Vào thời của đức Phật, có đến 16 quốc gia lớn nhỏ, với đa dạng chủng tộc. Vì vậy việc sử dụng ngôn ngữ tại các quốc gia này sẽ rất khác nhau. Khi đức Phật và chư tăng ni du hóa đến các quốc gia đó, đức Phật khuyến khích dùng tiếng bản xứ để giảng dạy Phật pháp.

Vì Phật pháp phục vụ cho số đông quần chúng, nên ngôn ngữ sử dụng phải là thứ ngôn ngữ phổ cập, thông dụng, gần gũi với đại đa số quần chúng, không phải là thứ ngôn ngữ hàn lâm học thuật. Ngôn ngữ Pali được cho là biến cách đơn giản của ngôn ngữ Sanskrit, đây là ngôn ngữ không dùng để giao tiếp hay sáng tác mà nó dùng để bảo tồn lơi Phật dạy.

Nhiều nghiên cứu cho rằng quê hương của ngôn ngữ Pāli chính là Magadha ( Ma-kiệt-đà). Do đức Phật đã dành một phần lớn thời gian ở đây để giảng dạy chánh pháp, do vậy ngài thường xuyên sử dụng ngôn ngữ Magadhi (bản ngữ của Magadha).

 Mặt khác khi kết tập kinh điển lần thứ nhất được tổ chức tại Magadha nên ngôn ngữ sử dụng ở đây cũng phải là ngôn ngữ Magadhi. Lần kết tập thứ hai để giải quyết về 10 điểm cách tân của nhóm tỳ kheo tại Vesali thì có 8 vị trưởng lão là đệ tử của hai vị thánh tăng nổi tiếng là Ananda va Anuruddha. Vị trưởng lão lớn tuổi nhất là Sabbakami, đóng vai trò phân xử. Họ đã được học giáo lí từ hai vị thánh tăng trưởng lão, là đệ tử lớn của đức Phật; Do vậy có khả năng họ sử dụng tiếng Magadhi trong lần kết tập này. Kỳ kết tập tam tạng lần thứ ba được tổ chức dưới thời Asoka tại Pataliputta. Trong thời gian này, Magadha nằm dưới sự cai quản của vương triều Maurya, mặt khác những người trong hội đồng kết tập lần này đều đặt nặng việc truyền thừa giới luật nên chủ trương bảo lưu ngôn ngữ truyền thống như vậy khả năng cao là họ vẫn sử dụng ngôn ngữ Magadhi. Chính từ những căn cứ trên mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ Pāli xuất phát từ ngôn ngữ Magadhi của Magadha.

 Dù có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của ngôn ngữ Pāli, nhưng tất cả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Pāli trong việc lưu giữ, truyền thừa Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Và đối với Phật giáo Nam truyền thì Pāli là thánh ngữ thiêng liêng và cao quý, và sử dụng trong việc đọc tụng hằng ngày.

2. SỰ HÌNH THÀNH VĂN HỌC TAM TẠNG PĀLI:

Khi Phật giảng dạy giáo lí giác ngộ tại Ấn Độ, thời điểm này các bài giảng của Phật chưa được biên tập lại thành hệ thống. Sau khi Phật Niết-bàn, các vị thánh đệ tử mới tập hợp lời Phật dạy thành một hệ thống và dần hình thành nên tam tạng Kinh, Luật, Luận. Tam tạng Pāli phải trải qua 4 lần kết tập mới hoàn chỉnh và chính thức được viết thành văn bản.

2.1 Đại hội kết tập kinh điển lần 1

 Đại hội kết tập lần thứ nhất diễn ra tại Rājagaha ( Thành Vương Xá) của nước Magadha dưới sự bảo trợ của vua Ajātasattu (A-xà-thế), sau khi đức Phật Niết-bàn 3 tháng tại hang Thất Diệp. Nguyên nhân dẫn đến cuộc kết tập này là sau khi được tin Phật nhập diệt, Tỳ-kheo Subhadda đã vui mừng trong khi các vị Tỳ-kheo khác đang đau buồn. Ông ta đã nói rằng:

“Thôi đủ rồi các Tôn giả, chớ có sầu bi, chớ có than khóc. Chúng ta được thoát khỏi vị Đại ẩn sĩ này (Đức Phật). Chúng ta đau khổ khi ông ấy nói, ‘điều này các ngươi được phép làm, điều này các ngươi không được phép làm’, còn bây giờ chúng ta sẽ có thể làm những gì chúng ta thích và không làm những gì chúng ta không thích’”.[1]

Chính vì điều này mà ngài MahaKassapa ( Đại Ca-diếp) đã nói điều như sau:

Này các sư đệ, vậy chúng ta hãy trùng tụng Pháp và Luật trước khi điều Phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về Phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về Phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.[2]

Ngài MahaKassapa đã triệu tập 499 vị A-la-hán ở Magadha tổ chức trùng tuyên Kinh Tạng do tôn giả Anada tụng Kinh và Trùng tuyên Luật Tạng do tôn giả Upāli ( Ưu-ba-li) tụng Luật dưới sự chất vấn của các vị A-la-hán. Đại hội lần thứ nhất kéo dài trong thời gian 7 tháng

Sau kỳ kết tập này thì Kinh Tạng và Luật tạng được hình thành, ghi nhớ và truyền khẩu qua trí nhớ siêu phàm của các vị A-la-hán. Việc trùng tuyên trong kỳ đại hội này có thể là ngôn ngữ Magadha, thứ ngôn ngữ quen thuộc khi Phật còn tại thế sử dụng (nhưng chưa rõ là Pāli hay Sanskrit). Trong thời kỳ này chưa xuất hiện văn bản chép Kinh và Luật.

2.2 Đại hội kết tập kinh điển lần 2:

Lần kết tập này diễn ra khoảng 100 năm sau Phật Niết-bàn tại Vesālī (Tỳ-xá-ly). Người triệu tập cuộc kết tập này là trưởng lão Yassa (Da-xá), với sự tham gia của 700 vị Tỳ kheo nên lần kết tập này gọi là “liên quan bảy trăm vị” (Sattasatikakkhandhakaṃ) [3]

Nguyên nhân dẫn đến kỳ kết tập này là do nhóm Tỳ kheo dòng dõi Vajji ở Vesālī truyền bá trong thành Vesālī mười sự việc: Được phép cất giữ muối trong ống sừng (kappati siṅgiloṇakappo), được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay (kappati dvaṅgulakappo), được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa (kappati gāmantarakappo), được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ (kappati āvāsakappo), được phép hành sự không đủ tỳ khưu (kappati anumatikappo), được phép thực hành theo tập quán (kappati āciṇṇakappo), được phép uống sữa chua lúc quá ngọ (kappati amathitakappo), được phép uống nước trái cây lên men (kappati jaḷogiṃ pātuṃ), được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh (kappati adasakaṃ nisīdanaṃ), được phép tích trữ vàng bạc (kappati jātarūparajataṃ).[4]

Khi tôn giả Yassa du hành đến Vesālī thấy một nhóm Tỳ-kheo ở đây thi hành mười điều này. Ngài đã vận động một hội nghị tăng già bao gồm 700 vị Tỳ-kheo để đưa ra phán quyết về mười điều mà nhóm Tỳ-kheo dòng Vajji ở Vesālī đang thi hành là phi pháp. Trong cuộc kết tập lần này có hội đồng trưởng lão gồm 8 vị Sabbakami, Salha, Khujjasobhita và Vasabhagamika từ miền Đông; và là Revata, Sambhuta-Sanavasi, Yasa và Sumana từ miền Tây. Họ thảo luận triệt để vấn đề với Revata là người đặt câu hỏi và Sabbakami trả lời những câu hỏi của ngài. Sau khi cuộc thảo luận được lắng nghe, tám vị Tăng quyết định phản đối những Tăng sĩ Vajji và phán quyết của họ được thông báo đến hội chúng. Sau đó, 700 vị Tăng tụng đọc lại Pháp và Luật và việc tụng đọc này được gọi là Sattasati (Thất bá kiết tập), bởi vì có 700 vị Tăng đã tham gia vào.[5]

Như vậy theo ghi chú trong trong Luật tạng thì lần kết tập thứ hai này tập trung giải quyết mười điều được đề xướng bởi nhóm tỳ kheo ở Vesāli là phi pháp. Việc truyền thừa kinh tạng và luật tạng vẫn là truyền miệng chưa có văn bản cụ thể.

2.3 Đại hội kết tập kinh điển lần thứ 3:

Kỳ kết tập này diễn ra dưới thời vua Asoka (A-dục 304 – 232 TCN). Kỳ kết tập này chủ yếu là thanh lọc tăng đoàn nhằm loại ra khỏi tăng những thành phần dị giáo. Sau khi trở thành Phật tử, hoàng đế Asoka rất sùng mộ Phật pháp nên đã hộ trì và bảo hộ rất lớn cho tăng đoàn. Chính điểu này đã thu hút hàng ngàn người dị giáo len tạp vào hàng ngũ Tăng-già, khiến cho các vị chân tu từ chối bố tát, sinh hoạt chung gây ra nhiều bất ổn cho đời sống thanh tịnh.

Asoka đã tổ chức cuộc kết tập dưới sự chủ trì của trưởng lão Moggaliputta Tissa ( Mục-kiền-liên-tử Đế-tu; 327-247 TCN) tại thành Pàtaliputta. Kỳ kết tạp này có 1000 vị Tỳ kheo tham dự, đọc tụng lại Pháp và Luật theo truyền thống. Sau đó chính nhà vua chất vấn các tu sĩ ở các tu viện về các vấn đề giáo pháp, nếu ai có quan điểm sai trái sẽ bị loại khỏi hàng ngũ Tăng-già.

Trưởng lão Moggaliputta Tissa để bác bỏ một số quan điểm dị giáo và bảo đảm Pháp được giữ thanh tịnh, đã biên soạn một cuốn sách trong kỳ đại hội được triệu tập, đó là cuốn Kathavatthu. Cuốn sách này bao gồm 23 chương, tập hợp những tranh luận (katha) và bác bỏ những quan điểm dị giáo về những vấn đề triết học mà những giáo phái khác nhau đã chủ trương. Nó là cuốn thứ năm trong số bảy cuốn sách của Abhidhamma Pitaka.

Sau khi đã chỉnh đốn Tăng già và thống nhất các quan điểm chính thống của Pháp và Luật. Asoka đã tổ chức các đoàn truyền giáo đi khắp nơi để truyền bá Phật pháp. Trong số đó, Trưởng lão Mahinda, Trưởng lão Ittiya, Trưởng lão Uttiya, Trưởng lão Sambala và Trưởng lão Bhaddasala được phái đến Tambapanni (hiện là Sri Lanka). Đây là điểm đáng chú ý vì nó có liên quan đến việc hình thành văn bản Tam tạng Pāli sau này.[6]

2.4 Đại hội kết tập kinh điển lần thứ 4:

Kỳ kiết tập thứ tư được tổ chức ở Tambapanni ( Sri Lanka ) vào năm 29 (tr.TL) dưới sự bảo trợ của Vua Vattagamani. Lý do chính cho việc triệu tập là do nhận thấy rằng bấy giờ đối với đại đa số các Tăng sĩ, họ không thể nhớ được toàn bộ Tam tạng bằng trí nhớ như trường hợp Tôn giả Mahinda và những vị trưởng lão khác. Mặt khác, trong thời gian này, chiến tranh và đói kém, thiên tai khiến cho việc bảo tồn tam tạng rất khó khăn. Do vậy, Hội đồng kết tập quyết định viết lại tam tạng trên lá bối để tránh tình trạng sau này chánh pháp bị biến mất, mai một hay tranh luận khi không còn bất kỳ ai hay nhóm người nào nhớ chính xác tam tạng thánh điển đồ sộ như vậy.

Đến thế kỷ thứ 5 sau tây lịch, Trưởng lão Buddhaghosa ( Phật-âm), người ở tại Phật-đà-già-da, nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Vào năm 432, sư vượt biển sang Tích Lan, trú tại Đại tự (Mahāvihàra), theo Trưởng lão Tăng-già-ba-la (Sanghapāla Thera) nghiên cứu thánh điển tàng trữ tại chùa ấy, rồi đem dịch từ ngôn ngữ Sinha của Sri-Lanka sang tiếng Pāli. Đồng thời Ngài cũng chú giải và hệ thống lại toàn bộ Tam tạng hoàn chỉnh và truyền thừa cho tới nay.

Theo dòng lịch sử thì cho đến thế kỉ thứ 1 đầu tây lịch, Tam tạng mới được viết thành văn bản và cho đến thế kỉ thứ 5 thì việc biên tập kinh điển thành hệ thống mới được hoàn chỉnh. Đó chính là sự tiếp nối, truyền thừa và bảo tồn những giá trị giải thoát trong thánh ngôn của Phật. Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ năm được tổ chức vào năm 1871 ở Mandalay, Miến Điện dưới sự bảo trợ của vua Mindon. và lần kết tập gần đây nhất là đại hội kết tập kinh điển lần thứ 6, diễn ra từ ngày Phật đản 17 tháng 5 năm 1954 đến ngày Phật đản năm 1956 ở thủ đô Rangoon, Miến Điện. Đại hội do Chính phủ Miến Điện bảo trợ. Các đại biểu đến từ Miến Điện và các nước có Thượng tọa bộ gồm Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Sri Lanka, Ấn Độ và Nepal. 

3. TẦM QUANG TRỌNG CỦA VĂN HỌC TAM TẠNG PĀLI:

Có thể nói, Tam tạng Pāli chứa đựng những tinh hoa, cốt tủy của Phật giáo. Tam tạng Pāli không chỉ là di sản vô giá của Phật giáo mà nó còn lả tinh hoa trí tuệ và là di sản minh triết của cả nhân loại. Thông qua văn học Pāli ta có thể nhìn thấy toàn bộ bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo và tư tưởng triết học tại Ấn Độ thời Phật và cả một chiều dài lịch sử qua mấy ngàn năm.

3.1 Giới thiệu về nền văn minh Ấn Độ:

Ấn Độ và nền văn minh sông Hằng là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại. Tiếp cận với văn học Pāli là tiếp cận với những giá trị nguyên bản của nền văn minh vĩ đại này.

Ấn Độ cổ đại đã xuất hệ nền văn học Vệ đà trước đó. Nhưng tất cả chỉ là những sử thi mang tính huyền thoại, thần thánh dẫn chúng ta vào thời đại xa xưa tiền sử. Nhà nghiên cứu M. Winternitz phát biểu rằng: “ chỉ với văn học Phật giáo chúng ta mới thật sự đặt chân vào thời đại sáng sủa của lịch sử”[7]. Khi nghiên cứ tam tạng Pāli đặc biệt là tạng Kinh và tạng Luật ta sẽ tìm thấy những ghi chép quan trọng về lịch sử, bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội, những nhân vật lịch sử đương đại và cả những trào lưu tư tưởng triết học lúc bấy giờ.

3.2 Tái hiện cuộc đời đức Phật, các vị thánh đệ tử và đời sống Tăng đoàn

Vào thời của đức Phật, việc ghi chép sử liệu không được thực hiện. Cho đến khi tam tạng được phiên âm thành mẫu tự La-tinh và dịch sang tiếng Anh, trước đó người ta đều nghĩ đức Phật là một nhân vật thần thoại. mặc dù không có ghi chép lịch sử về cuộc đời đức Phật, các vị thánh đệ tử và đời sống tăng đoàn nhưng qua các sự kiện được nhắc đến trong Kinh và Luật ta có thể tìm thấy các sự kiện lịch sử về cuộc đời của Phật, ngài sinh ra như thế nào, xuất gia, tu học, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn… những sự kiện này được chép lại trong kinh tạng.

Đời sống Tăng đoàn, chủ yếu được tìm thấy trong Luật tạng. Thông qua các sự kiện chế định giới luật, giải quyết các sự vụ trong tăng… ta có thêm nhiều dữ kiện để tái hiện đời sống tăng già, thậm chí các hoạt động văn hóa xã hội xung quanh đời sống của Tăng đoàn thời Phật.

3.3 Bảo lưu và truyền thừa con đường trung đạo giải thoát:

Do giác ngộ lí Duyên khởi mà Phật thành tựu quả vị chánh đẳng chánh giác. Vì vậy Phật đã dạy: “ Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy pháp là thấy Như Lai”. Con đường này, chính đức thế tôn tìm thấy và chỉ dẫn cho các hàng đệ tử của ngài. Trong suốt các trào lưu tư tưởng triết học Phật giáo hơn 2500 năm qua, tuy có những dị biệt nhưng quan điểm về duyên khơi, vô ngã hoàn toàn như nhau.

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của Phật, tuy giảng dạy nhiều bài kinh khác nhau nhưng tất cả đều nhằm làm sáng tỏ con đường trung đạo nhân duyên và thực tính vô ngã của các Pháp. Sau thời Phật Niết-bàn, nhiều tư tưởng dị giáo bắt đầu phát sinh và lệch lạc giá trị giải thoát của Pháp và Luật. Do vậy, Văn học Pāli chính là nơi gìn giữ tinh khôi và nguyên vẹn nhất những giá trị cốt lõi của đạo giải thoát.

3.4 Tinh thần Ahimsa:

Ahimsa là bất bạo động, bất hại. Đây là tinh thần của Đức Phật được nhấn mạnh trong kinh tạng. Đức Phật đã phản đối việc dùng sinh mạng chúng sinh để hiến tế, xóa bỏ tập tục phân biệt giai cấp, chủng tộc, xóa bỏ chiến tranh, bạo lực, thực hiện bình đẳng giới, bình đẳng giai cấp. Điều này được tìm thấy rất nhiều trong các bài kinh xoay quanh việc đối đáp của Phật với các Bà-la-môn, các vị quốc vương, và trưởng giả đương thời.

3.5 Tư tưởng về xây dựng xã hội tốt đẹp :

3.5.1 Quan điểm về vương quyền:

Tam tạng thánh điển Pāli chứa đựng những quan điểm của Phật về Vương quyền. Trong đó Thập vương pháp hay mười phẩm hạnh dành cho một vị vua (Dasa Raja Dharma) Mười phẩm hạnh của một vị vua bao gồm: bố thí (dana), giữ giới (sila), rộng lượng (pariccaga), trung thực (ajjavan), hòa nhã (majjavan), kiềm chế (tapam), không sân hận (akkodho), không bạo lực (avihimsa), nhẫn nhục (khanti), và từ ái (avirodhata).

3.5.2 Quan điểm về thiết chế xã hội:

 Thiết chế xã hội được đề cập đến trong kinh tạng là Phật ủng hộ một nên dân chủ, bình đẳng. Phật đã bày tỏ sự ủng hộ hình thức nhà nước dân chủ và cũng bày tỏ quan điểm rằng hình thức nhà nước này có lợi cho sự ổn định xã hội. Đề cập đến những chuẩn bị mà vua Ajātasattu (A-xà-thế) thực hiện để tấn công vào một trong những xứ sở dân chủ –  xứ sở của người Vajjī – Đức Phật nói:

“Này Ananda, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm…. Này Ananda, khi nào nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ananda dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm… Này Ananda khi nào dân Vajjī, không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thuở xưa thời, này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm… Này Ananda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm… Này Ananda, khi nào Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình thời, này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm…”[8]

3.5.3 Quan điểm về đạo đức xã hội:

Quan điểm đạo đức của đức Phật xây dụng trên nền tảng giới luật. Phật đã chỉ dạy 5 nguyên tắc đạo đức ( ngũ giới: không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu).

Trong Kinh tạng còn tìm thấy sự chỉ dạy của Phật về bổn phận, trách nhiệm giữa các mối quan hệ xã hội. [9] Từ đó xây dựng một xã hội an toàn, bình đẳng, và bất bạo động.

3.5.4 Quan điểm về bình đẳng:

Bình đẳng là một điểm độc đáo của tư tưởng Phật giáo. Trong Kinh cũng đã ghi lại quan điểm của Phật về bốn giai cấp, Phật đã xóa bỏ sự phân biệt bốn giai cấp này, và chấp nhận tất cả đến với tăng đoàn. Phật cũng đã chấp nhận người nữ vào trong hàng ngũ Tăng đoàn và xác nhận họ cũng có thể chứng quả vị thánh. Sự bình đẳng tuyệt đối nằm ở giá trị giải thoát. Bất kỳ ai, dù nam hay nữ, dù ở bất kỳ địa vị nào, nếu đi theo đạo lộ giải thoát, đã đoạn trừ lậu hoặc đều sẽ đạt được giác ngộ như nhau mà không có bất kỳ một sự phân biệt nào.

3.5.5 Quan điểm về giáo dục:

Việc giáo hóa của Phật là một sự nghiệp vĩ đại. Phật đã làm cho những Bà-la-môn ngoan cố nhất phải thay đổi nhận thức của mình, một vị vua tàn bạo nhất như Ajātasattu , hay kẻ sát nhân máu lạnh Aṅgulimāla phải thay đổi… Quan điểm giáo dục của Phật là không có chúng sinh xấu ác chỉ có nghiệp là xấu ác. Phật tin vào bản tính thanh tịnh của chúng sinh. Trong tinh thần vô ngã và vô thường, cái xấu ác hoàn toàn có thể thông qua giáo dục mà làm cho thiện lành; và ngược lại nếu cái thiện lành không được nuôi dưỡng, rèn luyện nó sẽ bị sa đọa thành xấu ác. Thay đổi nghiệp, thay đổi nhận thức là con đường giáo dục của Phật. Phật giáo không chấp nhận một đấng linh thiêng sắp đặt cuộc đời cho chúng sinh, mà chính chúng sinh tạo ra cuộc đời của chính mình. Vì vậy hạnh phúc niết bàn hay đau khổ đọa lạc đều do chính bản thân chúng ta. Khi nghiên cứu Tam Tạng ta sẽ nhìn thấy phương pháp giáo dục của đức Phật mà chính ngay thời đó, ngài đã thật sự đem lại bình yên cho mười sáu quốc gia vùng đồng bằng Ấn Hằng. Cho đến ngày nay, điều này vẫn tiếp tục là xu thế cho một nền giáo dục nhân văn và vị nhân sinh.

Có thể nói, Tam tạng Pāli là những gì tinh khôi nhất, nguyên vẹn nhất, là toàn bộ văn hóa Phật giáo. Tam tạng Pāli đã cho thế giới hiểu rõ hơn về Phật, bậc giác ngộ cao quý và đồng thời cũng cho thế giới hiểu thêm về con đường giác ngộ. Tam tạng Pāli như một cơn mưa mát lành thấm nhuần mảnh đất cằn cỗi trong nhận thức của nhân loại. Việc nghiên cứu Phật pháp và tam tạng Pāli đã trở thành một sự kiện quan trọng nhất của thế kỉ XX. Văn tạng Pāli cung cấp một lượng thông tin đồ sộ và đáng tin cậy về sự kiện lịch sử, bản đồ địa lí, văn học, ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, chính trị, kiến trúc và tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Điều này đóng góp rất lớn trong công cuộc tái tạo lịch sử của Ấn Độ, Sri-Lanka, cũng như lịch sử Phật giáo của nhiều quốc gia khác. Văn học Pāli vừa là nơi gìn giữ giá trị tinh khôi của con đường giác ngộ, vừa là cánh cổng để nhìn lại lịch sử. Việc nghiên cứu kinh tạng Pāli là một khuynh hướng thời đại vì nó chứa đựng những giá trị giúp nhân loại vượt qua đau khổ, bất an hướng đến một giá trị hạnh phúc vững bền.

Trung Thiện

_____________________________________________________________________

Sách tham khảo:

  1. Thích Tâm Minh, Tổng Quan Tam Tạng Pāli, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2022.
  2. Thích Tâm Minh, Khảo cứu về văn học Pāli ( văn học Luật tạng), NXB Phương Đông, TP HCM, 2008.
  3. Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên Thủy, Việt dịch: Thích Phước Sơn và Thích Hạnh Bình, NXB Phương Đông, TP HCM, 2015.
  4. Tạp chí nghiên cứu Phật học online
  5. Báo Giác Ngộ online:
  6. org

[1] Tỳ khưu Indacanda, Nguyệt Thiên dịch, Tạng luật Vinaya Pitaka,  tiểu phẩm Cullavagga, Chương liên quan năm trăm vị (Pañcasatikakkhandhakaṃ). https://thuvienhoasen.org/p18a24606/11-chuong-lien-quan-nam-tram-vi-p-casatikakkhandhaka-

[2] sđd

[3] Tỳ khưu Indacanda, Nguyệt Thiên dịch, Tạng luật Vinaya Pitaka,  tiểu phẩm Cullavagga, “liên quan bảy trăm vị” (Sattasatikakkhandhakaṃ). https://thuvienhoasen.org/p18a24607/12-chuong-lien-quan-bay-tram-vi-sattasatikkhandhaka-

[4] sđd

[5] https://giacngo.vn/cac-ky-kiet-tap-kinh-dien-theo-phat-giao-theravada-post22499.html

[6] https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ngon-ngu-pali-va-kinh-tang-phat-giao-nguyen-thuy.html

[7] Thích Tâm Minh, Tổng quan tam tạng Pāli, NXB Hồng Đức,2022,HN. Tr79

[8] Tăng chi bộ kinh, chương 7 pháp, 7 pháp tăng thịnh

[9] Xem kinh Thiện Sanh

COMMENTS

WORDPRESS: 0