HomeBan truyền thông

Phật đản sinh trong lòng ta, kỉ niệm Phật đản PL 2567 – 2023

Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 12 đến thăm và làm việc tại Trường Hạ Quảng Đức
Mời bạn đọc chia sẻ “Cảm xúc mùa Phật đản”
Hướng dẫn đăng nhập, đăng bài trang web Phật Giáo Quận 12

Phật đản sinh tại Lumbini (Lâm-tì-ni)

PGQ12-Một mùa Phật đản nữa lại về. Khắp nơi trên toàn thế giới đều nô nức đón mừng ngày Phật ra đời. Đức Phật là một nhân vật lịch sử đã từng xuất hiện trong cuộc đời này. Ngài đã đến và mang lại hạnh phúc cho số đông chư thiên và nhân loại, là người đã mở con mắt tuệ giác cho chúng sinh trên cuộc đời này.

Phật sinh ra tại vườn Lumbini (Lâm-tì-ni) thuộc Kapilavatthu ( Ca-tỳ-la-vệ) một tiểu quốc thuộc vùng bắc Ấn (nay thuộc lãnh thổ Nepal). Sinh ra trong hoàng tộc Sakya ( Thích Ca) có cha là quốc vương Suddhodana ( Tịnh Phạn ) mẹ là hoàng hâu Ma-da (Maya) người tiểu quốc Koli láng giềng. Phật đản sinh vào năm 563 trước tây lịch. Tên ngài là Siddhartha ( Tất-đạt-đa) họ Gautama (Cồ Đàm). Chúng ta phải nhắc đến sự kiện này vì đây là kết quả khảo cổ, nghiên cứu lịch sử của các học giả thời hiện đại. Và họ xác định rằng: Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật đã từng xuất hiện trên cuộc đời này.

Trước khi có những nghiên cứu chính thức về cuộc đời của Phật, các học giả thường cho rằng Phật là một nhân vật huyền thoại, một vị thần linh mà dân gian dựng lên để thờ phụng. Chính vì vậy những kinh điển, những chỉ dẫn của Phật cho môt đời sống hạnh phúc không được giới trí thức xem trọng, đôi khi xếp kinh điển Phật giáo vào yếu tố tâm linh huyền thoại không có giá trị gì cả. Về sau này, khi các học giả Phương tây đã thật sự xem Phật giáo là một đối tượng nghiên cứu, nhất là khi kinh điển Pāli được phiên dịch ra nhiều loại ngôn ngữ, thế giới mới kinh ngạc về sự đồ sộ, to lớn của nền triết học Phật giáo. Đó như một kho báu bị vùi lấp hàng thiên niên kỉ mà nay được khai quật tìm thấy. Giá trị nhân sinh, giá trị tuệ giác của đức Phật vẫn còn tỏa sáng rực rỡ suốt mấy ngàn năm qua.

Nhắc lại lịch sử, để chúng ta hiểu rằng lễ Phật đản không phải chỉ là một hình thức tôn vinh nhân vật huyền thoại nào đó. Mà lễ Phật đản là tôn vinh một con người lịch sử đã siêu phàm thoát tục, từ nơi địa vị của một chúng sinh bình thường, bước lên quả vị Phật toàn giác. Phật đã đến thế gian này như bao người, nhưng Phật lại vượt trên thế gian để thoát khỏi vòng luân hồi thống khổ này. Đó chính là minh chứng sống động cho kết quả của sự tu tập chuyển hóa, là sự khích lệ lớn lao cho chúng sinh còn chìm đắm trong biển khổ mạnh mẽ vươn lên như đóa sen vượt khỏi bùn.

Phật đản sinh là chúng ta vui mừng khi Phật đã hạ sinh nơi cõi đời này. Vì rằng chính ngài đã khai sáng con đường đi đến giác ngộ. Những giáo huấn của Ngài đã làm cho cuộc đời này thật nhiều ý nghĩa, thật nhiều an vui, hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy đau khổ, cảm thấy bất an và tràn ngập những xúc cảm tiêu cực vì Phật đã đản sinh bên ngoài mà chưa đản sinh trong lòng ta. Nếu Phật đã đản sinh trong lòng ta, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, bình an và nhiều năng lượng giác ngộ. Khi đó ta sẽ có một tâm hồn dịu mát, an yên, tràn ngập từ bi với bao la vạn vật chúng sinh, với mọi người xung quanh và trên hết là với chính mình.

Mỗi năm mùa Phật đản ta chưng bày lễ đài, cung rước thánh tượng Phật sơ sinh để tưởng niệm sự kiện quan trọng này. Ta chưng dọn lễ đài cũng là lời nhắc nhở rằng: chúng ta cũng phải chuẩn bị một tâm hồn thanh tịnh, nhu hòa, đẹp đẽ để chào đón một vị Phật chuẩn bị đản sinh trong lòng ta. Khi Phật đã đản sinh trong lòng ta thì ta sẽ có một tâm hồn tươi mát, bình an và hỷ lạc. Chính năng lượng Phật tánh đó sẽ làm an dịu những nghich cảnh, những tâm hồn đau khổ xung quanh ta và xây dựng những mối quan hệ gia đình, xã hội thật sự tốt đẹp và yêu thương.

Mùa Phật đản nữa lại về, triệu triệu con tim hướng về đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Trong niềm tôn kính ngài những âm vang giác ngộ ùa về như một lời reo vui đón mừng Phật đản sinh:

“Vui thay, Phật ra đời!

Vui thay, Pháp được giảng!

Vui thay, Tăng hòa hợp!

Hòa hợp tu, vui thay!” (Trích câu 194, phẩm Phật Đà, kinh Pháp Cú)

Trung Thiện

COMMENTS

WORDPRESS: 0