HomeNghi lễ

Giá trị ba mâm lễ cúng trong sinh hoạt tín ngưỡng

GHPGVN ban hành Thông bạch về Đại lễ Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2567 (2023)
Cùng thay ảnh đại diện đón mừng mùa Vu lan – Báo hiếu
Ý nghĩa lễ Vu lan

PGQ12 – Bất kỳ một dân tộc nào, việc thờ cúng tổ tiên là đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Hình thức có thể khác, nhưng nội dung thì vẫn mang cùng một ý nghĩa là hướng về nguồn cội. Nhìn vào cách thức thực hiện các nghi lễ và các biểu tượng trong việc thờ cúng, ta có thể nhìn thấy cả một bầu trời thế giới quan và nhân sinh quan của họ. Do đó, thờ cúng không phải là mê tín mà nó là văn hóa tâm linh của cả một dân tộc.

Người Việt ta cũng có tục thờ cúng. Mỗi khi làm những việc hệ trọng như xây nhà, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp … đều sắm lễ để dâng cúng. Thông thường sẽ là ba mâm lễ để cúng tổ tiên, đất đai và chiến sĩ ( theo tục miền nam). Việc cúng lễ này đã trở thành truyền thống của người miền Nam qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, ý nghĩa của ba mâm lễ cúng này không phải ai cũng hiểu. Từ đó giá trị văn hóa dần bị mai một. Và rồi một số người trẻ lại cho đó là rườm rà rắc rối, bày vẽ cho thêm việc. Vì vậy, việc giải thích rõ ý nghĩa của ba mâm lễ cúng này là để gìn giữ giá trị văn hóa tâm linh tinh thần của tổ tiên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mâm cúng gia tiên hay cúng ông bà ( theo cách gọi miền nam) là mâm cơm thể hiện lòng biết ơn với ông bà tổ tiên. Cây có cội, sông có nguồn, làm người phải có nguồn cội tổ tiên. Do vậy, khi đi đến nơi nào an cư lập nghiệp, hay khởi sự chuyện to lớn nào, người Việt đều có mâm cơm cúng cửu huyền để tri ân tổ tiên đã phù hộ cho con cháu và cũng để thể hiện lòng biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài, sự sống, nuôi dạy chúng ta trưởng thành để có ngày hôm nay.

Mâm cơm cúng đất đai làm mâm cơm thể hiện sự kính trọng. Đất đai chính là cúng thần hoàng bổn cảnh, thổ địa chánh thần, những người có công khai làng lập ấp, những người đã đổ công sức xây dựng và bảo hộ vùng đất chúng ta đang sinh sống. Chúng ta đến xứ đó an cư lập nghiệp phải kính trọng làm mâm cơm để lễ cáo chư thần.

Mâm cơm cúng chiến sĩ là mâm cơm thể hiện lòng trắc ẩn, sự tử tế của chúng ta. Người Việt ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giữ nước. Do vậy nơi nào cũng có anh hùng chiến sĩ vị quốc vong thân, đồng bảo tử nạn. Có người tìm được hài cốt, có người vẫn nằm vùi lại nơi lòng đất lạnh, không có ai thờ phụng. Mâm cơm này là để tưởng nhớ họ, mời họ một bữa cơm khi có lễ cúng. Do vậy họ không bị bỏ quên, không bị đói lạnh.

Ba mâm cơm này là đạo đức xử thế mà ông cha ta đã dạy dỗ con cháu thông qua nghi lễ thờ cúng. Đi tới xứ nào lập nghiệp, chúng ta muốn thành đạt và phát triển thì cái chúng ta cần có để mang theo sài không chỉ có tiền của, tri thức mà còn phải gói ghém ba thứ: sự biết ơn, sự kính trọng và sự tử tế. Có ba thứ này, đi đến bất cứ xứ nào cũng có thể an cư lạc nghiệp.

Sắm lễ tâm thành thì bao nhiêu cũng đủ, tâm thiếu thành kính thì có bao nhiêu cũng không đủ. Vậy nên, việc cúng kính là thể hiện tấm lòng thành chứ không phải bày biện “ mâm cao cỗ đầy” mà được. Lễ phẩm có thể đơn sơ, nhưng nội dung phải đầy đủ. Đó chính là nghi lễ. Tức là dùng lễ để bày tỏ lòng thành kính với đối tượng mình đang hướng tới.

Một số người khi không hiểu ý nghĩa của thờ cúng thì lại vội vàng kết luận đó là mê tín, rườm rà. Kỳ thực đó chính là cách đối nhân xử thế, là cảm thức văn hóa, là đạo làm người mà cha ông ta đã khéo léo đưa vào nghi lễ để con cháu gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chính là nguồn cội, là văn hóa, làm tâm khảm của người Việt ta từ ngàn xưa cho đến hôm nay.

Trung Thiện.

COMMENTS

WORDPRESS: 0