Mỗi con người là một huyền thoại. Chúng ta ai ai cũng có huyền thoại từ khi còn trong trứng nước cho đến lúc mở mắt chào đời; những chuyện ly kỳ về mỗi người khi sinh ra đều được hai đấng sinh thành ghi nhớ và kể lại như là một điềm lạ về sự chào đời của đứa con thân yêu dù rất nhỏ nhoi, và đôi khi chúng ta bẵng quên mất khi đời sống quá ư bận rộn, mệt nhoài…
Cũng thế, các vĩ nhân và thánh nhân xuất hiện trên thế gian này đều có những huyền thoại vĩ đại hơn chúng ta, đặc trưng của những huyền thoại hoặc sinh hay tử được lưu truyền từ đời này sang đời khác, bằng khẩu truyền, bằng bút ký hay bằng thiên hùng ca… Những câu chuyện huyền thoại xoay xung quanh cuộc đời của các vĩ nhân như là một sự minh chứng đối với sự hiện hữu tuyệt vời của họ trong một mốc son lịch sử và được truyền tụng cho đến bây giờ.
Là một con người trên tất cả con người, là một vĩ nhân trên tất cả vĩ nhân, cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gắn liền với một huyền thoại tuyệt đẹp, phi phàm và thi vị nhất. Khi vừa mới mở mắt chào đời, Ngài đã nhẹ nhàng bước trên bảy đóa sen, tay phải chỉ lên trời, tay trái trỏ xuống đất và dõng dạc tuyên ngôn: “Ta là Đấng cao quý duy nhất trong thiên hạ” (I alone am the World-Honored One). Biết bao thế kỷ tang thương, cuộc dâu bể đổi dời, huyền thoại về sự ra đời của Ngài như vẳng nghe mới hôm nao bên những trang kinh tưởng chừng như chưa ráo mực.
Tương truyền, vào một đêm hoàng hậu Maha Maya mộng thấy con voi trắng sáu ngà từ cõi trời bay xuống trong tiếng nhạc vang lừng, quỳ xuống bên chân hoàng hậu, con voi dâng cho bà một cành sen hồng được mang từ cái vòi của nó. Thức giấc, hoàng hậu thấy cảm giác dễ chịu và khoan khoái với những mùi hương lạ thơm ngát căn phòng, và bà biết rằng mình đã thụ thai thái tử Siddhartha.
Vào một buổi sáng trời trong xanh, nắng đẹp, chim chóc vui hót, hoàng hậu Maha Maya đi dạo chơi trong vườn Lumbini, một khu vườn xinh đẹp thuộc thành Kapilavatthu, một lúc bà thấy mệt và vịn tay phải vào cành cây vô ưu (ashok tree) đang nở đầy hoa thì hạ sinh thái tử. Thái tử Siddhartha được sinh ra từ hông bên phải, ngay lúc ấy Ngài đứng dậy đi bảy bước, dưới chân Ngài nở bảy đóa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất mà nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Hơn hai mươi sáu thế kỷ trôi qua, biết bao giấy mực luận bàn về huyền thoại này. Sự Đản sinh của Đức Phật đã trở thành đề tài muôn thuở cho các nhà nghiên cứu bình luận, là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất từ xưa tới nay đồng thời cũng là tiền đề hứng thú nhất cho các nhà Phật học và thi nhân kim cổ.
Không ít các nhà phân tích Phật học cho rằng bảy đóa sen kia là tượng trưng cho bảy phần Bồ đề (hay Thất giác chi) – một trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo – là phương pháp tối yếu để giúp cho người học đạo và tu đạo giác ngộ, hoặc là yếu nghĩa của Tam thừa Tứ quả, và cũng không ít người cho rằng bước sen thứ bảy là sự giải thoát hoàn toàn từ sáu bước sen trước, như là sự vượt thoát sáu cõi luân hồi. Một số nhà bình luận khác thì cho rằng con số 7 là con số triết học thuần túy của Ấn Độ, với ý nghĩa không gian có bốn (Đông, Tây, Nam, Bắc), thời gian có ba (quá khứ, hiện tại và tương lai); thái tử đi trên bảy đóa sen tượng trưng cho sự vượt thoát về ý niệm của không gian và thời gian. Ngài sinh từ hông phải là biểu thị cho bản thể tuyệt đối vô nhiễm và câu tuyên ngôn: “Ta là Đấng cao quý nhất trong thiên hạ” là sự xác tín về Phật tính – vốn ẩn tàng trong mỗi chúng sinh… Tất cả khía cạnh lý giải đều có ý nghĩa nhất quán, mặc dù trên hình thức có đôi chút dị biệt, đó là sự giác ngộ về Chân tâm Phật tính xuyên qua truyền thuyết Đản sinh này.
Tuy nhiên, các học giả đứng trên lập trường khách quan thì cho rằng bảy bước hoa sen tượng trưng cho bảy phương hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới và Tại đây (East, West, North, South, Up, Down and Here). Và một tay chỉ trời, một tay chỉ đất là điềm lành báo hiệu sự hiện hữu của một vị cứu tinh cho cõi Thiên Nhơn – nối kết giữa trời và đất, giữa thiên đường và trần gian bụi bặm. Câu tuyên ngôn: “Ta là Đấng tôn quý nhất trong thiên hạ” theo quan điểm Phật giáo Phát triển là một cách nói khác để xác quyết về tính giác hằng hữu trong không gian vô cùng và thời gian vô tận bên trong mỗi chúng sinh.
Bên cạnh đó, không ít các bình luận gia ngoại đạo cho rằng huyền thoại Đản sinh của Đức Thích Tôn được vay mượn từ huyền thoại chào đời của thần Indra – vị thần cổ của Ấn Độ giáo vốn được truyền tụng ở trong văn học Rig Veda. Thần Indra cũng sinh ra từ bên hông của mẹ, và khi vị thần này chào đời có những hiện tượng lạ xảy ra như là nhật thực (1), trái đất vang động, núi non trời đất lung lay (2), tất cả các vị thần khác đều sợ hãi sự phẫn nộ của thần Indra…(3). Một trong những thi kệ của ca ngợi vị thần này: “Ồ Indra, sự khéo léo của người giống như bậc thầy của các Thiên chủ và loài người…” (4). Đặc biệt khi vừa ra đời thần Indra nói rằng ta sẽ là đấng thừa hành những sứ mệnh vĩ đại. Cũng có một số học giả khác cho rằng truyền thuyết Đản sinh của Đức Phật không ít thì nhiều có ảnh hưởng truyền thuyết Hy Lạp, khoảng thời gian sau khi Đại đế Alexander cai trị vùng Đông Á vào năm 334 BC, và có một sự hòa nhập đáng kể về tư tưởng và nghệ thuật giữa Phật giáo và Hy Lạp… Tất cả sự tranh cãi này không ngoài mục đích là đánh tan thần tượng thần thánh hóa Đức Phật.
Dù vậy không ai có thể chối bỏ được hình tượng hoa sen – một biểu tượng cho trí tuệ trong nghệ thuật Phật giáo, hoa sen còn đại diện cho sự tinh khiết và thanh cao của tâm linh. Bên cạnh đó, bảy bước hoa sen của Đức Phật chỉ cho bảy hướng: Đông, Tây, Bắc, Nam, Trên, Dưới và Tại đây thì không tương đồng với bất kỳ huyền thoại nào khác. Đức Phật ra đời trong một bối cảnh xã hội Ấn Độ đầy phức tạp. Mặc dù trong giai đoạn này thế lực chính thống của Bà La Môn giáo đã đến thời kỳ suy yếu, thay vào đó sáu phái triết học và bảy mươi hai tà kiến với nhiều lập trường triết thuyết tranh nhau hùng cứ khắp các khu vực thượng và hạ lưu sông Hằng. Sự ra đời của Ngài như để dàn xếp và thống nhất các học thuyết tư tưởng bằng sự giác ngộ thực tại Duyên khởi, và chỉ có Đức Thích Tôn mới làm được cuộc cách mạng lịch sử thống nhiếp các trào lưu tư tưởng đương thời. Và cho đến hôm nay, giáo lý giải thoát này vẫn mãi hiện hữu mầu nhiệm giữa lòng trời đất bao la, xuyên qua bốn phương Đông, Tây, Nam và Bắc của quả địa cầu này.
Ngoài bảy bước hoa sen, huyền thoại Đản sinh với câu tuyên ngôn: “Ta là Đấng cao quý nhất trong thiên hạ” đã làm chấn động cho tất cả người nghe với các thành phần xã hội. Câu tuyên ngôn này có mâu thuẫn chăng khi lập trường của Phật giáo là Vô ngã? Chúng ta không thể lý giải theo quan niệm “tự tôn” với một trẻ sơ sinh chưa có ý thức phân biệt. Tất cả các nhà phân tích đều đồng quan điểm rằng cái “Ta” trong câu nói trên như là một sự xác tín về Chân ngã – Phật tính vốn chi phối và điều động sự hiện hữu của thế giới. Cái “Ta” này biểu hiện dưới hình thái con Người – chính là Thượng đế tôn quý nhất trong thiên hạ, nhưng con người đã bỏ quên để rồi lang thang tìm cầu một Thượng đế xa xôi, vô vọng và rồi tự chuốc thêm vọng tưởng khổ đau! Một cách khác, câu nói này cũng là lời tuyên cáo rằng chỉ có Đức Phật mới là Đấng Thượng đế duy nhất bao hàm Trí tuệ và Từ bi viên mãn. Kokkali nói: “Trí tuệ của Đức Phật rộng lớn như biển khơi, và Thánh linh của Ngài là đầy đủ đức đại từ bi. Đức Phật không có hình thái cụ thể nhưng thể hiện chính mình trong sự hoàn thiện và dẫn dắt chúng ta bằng cả tấm lòng từ bi của Ngài (5). Do đó, sự thị hiện của Đức Phật không ngoài mục đích tạo dựng một thế giới của tình yêu thương và hòa bình trên căn bản của tuệ giác vô ngã vị tha.
Mỗi tôn giáo đều gắn liền với huyền thoại của Đấng giáo chủ theo thời gian huyền thoại ấy được tô điểm và truyền tụng như một sự linh thiêng, huyền bí. Cũng như những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đều có huyền thoại của riêng mình. Trên tất cả huyền thoại, huyền thoại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giàu chất thi ca và nghệ thuật: sinh giữa rừng hoa, thành đạo dưới gốc cây, thuyết pháp giữa rừng cây và nhập diệt cũng dưới gốc cây, giữa núi rừng tĩnh mặc. Điều này đã nói lên rằng chỉ có Đấng Điều ngự Thế Tôn mới thoát khỏi được ngôi nhà tam giới, ngục tù của vô minh và ảo tưởng.
Không hình ảnh nào tuyệt đẹp và thi vị hơn hình ảnh Đản sinh của Đức Thích Tôn nhẹ nhàng bước trên bảy đóa hoa sen. Không có lời nói nào tạo nên sự sửng sốt và bàng hoàng muôn thuở như tuyên ngôn: “Ta là Đấng tôn quý duy nhất trong thiên hạ”. Như là một công án, câu nói này là một lời thôi thúc cho mọi người tìm hiểu học thuyết Phật Đà, và “đến để mà thấy”. Huyền thoại Đản sinh như là mệnh đề dẫn nhập hay nhất cho toàn bộ nội dung chi tiết của giáo pháp Phật Đà băng qua trên mọi ngôn từ và lý luận giả tạo của trần gian.
TN.TỊNH QUANG
COMMENTS