HomeVăn hóa

Mùa xuân phía trước…

Ban Trị sự GHPGVN Quận 12 viếng Nhà Truyền thống Chiến khu An Phú Đông
Thăm lại tổ đình Từ Hiếu ngày đầu năm Nhâm Dần
Gia trì lực của đức Quan Âm Bồ-tát

GN – 2021 là một năm khó quên với người Việt, một năm mà cả nước trải qua những thời khắc đau thương không ai ngờ. Sài Gòn – TP.HCM, một thành phố lớn nhất nước phải đóng cửa suốt 4 tháng khi dịch giã hoành hành.

Bóng đêm Covid-19 phủ trùm, có những thời điểm, tinh thần người dân rơi vào thế lo lắng, sợ hãi tột cùng. Giữa nỗi sợ bệnh dịch đến nỗi sợ mất việc, đói nghèo, mất mát, đâu đó ánh sáng của sự sẻ chia lóe sáng. Sau tất cả, nhìn lại những đau thương, nhiều người ngộ ra lẽ vô thường của cuộc đời, có người quán chiếu nhân duyên và thấy mình cũng là một mắt xích của mọi biểu hiện đang trải.

“Không phải tự nhiên thế giới trải qua kiếp nạn này. Đây là một bài học lớn”. Ai học được bao nhiêu nội dung mà Covid-19 gửi đến cho nhân loại tùy vào sự lắng nghe của người ấy. Có người sẽ dừng lại, rẽ hướng và có một đời sống bình an hơn. Cũng có những người khổ đau và bế tắc thêm, cần những người khác nâng đỡ để bước qua. Câu chuyện tình người không chỉ từ trong khúc cam go nhứt của dịch bệnh mà hậu Covid cũng cần tiếp nối.

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 – Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Những ngày đen tối đã qua

Trong thời gian dịch căng thẳng nhất ở thành phố, tôi đã được may mắn sống giữa sự sẻ chia ắp đầy tình người ấy. Khi đó, tôi nhớ mình đã… không thể ngồi yên khi thấy những người dân xóm trọ quanh mình quá khổ vì bó gối ở nhà hết ngày này đến ngày nọ. Họ làm việc ở nhà xưởng, người thì chạy Grab nên khi có lệnh đóng cửa, mọi công việc trước đó cũng khép lại với họ.Những ngày đen tối đã qua

Nhà tôi đang ở đi ngang qua khu trọ tuềnh toàng ở một con hẻm hai xuyệt của phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, nên vẫn thường nhìn thấy vẻ mặt lo lắng, những hơi thở dài thườn thượt của họ. Họ bị cách ly mọi thứ, kể cả thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Thời điểm đó, nhiều người có tiền cũng không thể mua được thức ăn theo cách bình thường nhất.

Sự bức bí đó là thứ năng lượng mà từ trường tự nhiên tỏa ra xung quanh cũng khiến không khí thêm nặng nề. Tôi quyết định phải làm gì đó để giúp họ. Tất nhiên, sức một mình mình là điều bất khả. Tôi đã truyền thông điệp muốn sẻ chia với người nghèo khó mất việc quanh mình qua hoạt động “Tình người nơi xóm trọ”, mong rằng sẽ nhận được sự yểm trợ gạo, rau củ cho bà con.

“Sóng” đã được phát và thật may mắn, nhiều nơi đã “tiếp sóng”. Có vị thầy ở Gò Vấp gọi cho tôi báo: “Thầy có ít gạo, bí và muối đậu phộng, muối sả gửi con chia cho bà con”. Và thầy đã nhờ xe “luồng xanh” chở ngay xuống khu trọ với niềm hoan hỷ của bà con. Tôi cũng rất mừng khi có vị thầy khác ở tận Đồng Nai cũng đã đóng từng thùng rau một cách cẩn thận, tươm tất gửi xe qua vài ba chặng mới đến được nơi tôi ở để phân chia cho người dân xóm trọ. Sau đó là gạo, mì, nhiều xe rau củ khác cũng lần lượt được nối dài trong câu chuyện “Tình người nơi xóm trọ” mà tôi phát lời kêu gọi.

Những hiện vật tươi xanh như tấm lòng người gửi. Dường như người Việt luôn mở lòng giúp đồng bào trong những lúc ngặt nghèo nhứt, khổ đau nhứt. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đó còn là câu chuyện hướng về những hương linh người mất do Covid-19 và gia đình họ, nhứt là yểm trợ trẻ mồ côi khi có ba mẹ, hoặc một trong hai người thân nhất bị chết do Covid. Cả nước, đặc biệt là TP.HCM và các tổ chức tôn giáo, người dân đã có một ngày hướng về tưởng niệm đồng bào là nạn nhân của Covid, với con số đau lòng: 23.400 người đã mãi mãi ra đi.

Nước mắt đã chảy, những nỗi đau cần thời gian để lành lại nhưng câu chuyện về tình người chắc chắn sẽ luôn được thắp sáng ở bất cứ nơi nào, dù nhỏ bé như “Tình người nơi xóm trọ” tôi đã làm hay những hoạt động lớn hơn, dài hơn của nhiều cá nhân, tổ chức khác. “Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”, đó là lời nhắc nhở về sự lạc quan cũng như ý niệm về sự thay đổi tích cực nếu mỗi chúng ta biết cách đối diện với mất mát một cách bình an nhất.

Những ngày đen tối đó đã tạm khép lại khi TP.HCM và nhiều địa phương mở cửa “sống chung với virus”. Cuộc sống chưa phải đã ổn, Covid vẫn là bóng đêm còn trùm phủ khắp nơi khi số ca nhiễm hiện nay vẫn hơn 10.000 người mỗi ngày nhưng dường như nỗi sợ đã được giảm bớt. Đó cũng là một tâm thế cần có để đẩy lùi sự kỳ thị Covid ra khỏi tâm trí.

Liên quan tới câu chuyện “Tình người nơi xóm trọ”, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9-2021 tôi thường xuyên đi đến nhiều khu trọ ở phường Trường Thọ để gửi gạo, rau củ cho bà con. Dù được thực hiện trong ý thức 5K nhưng tôi cũng luôn xác định là mình có thể nhiễm bệnh bất cứ khi nào. Quả thực như vậy.

Học Phật để vững chãi hơn

Sau khi tiêm mũi vắc-xin thứ hai được chừng hơn 2 tuần, tôi có triệu chứng cảm nhẹ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ do mình làm việc nhiều, thức khuya nên nghẹt mũi vậy thôi, cho đến khi… bị mất mùi. Tôi gọi điện hỏi bác sĩ bạn đang công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM. Bạn cho biết, mất mùi là bị nhiễm chắc rồi. Bạn gửi bộ kit test nhanh cho tôi và hướng dẫn tự test ở nhà, đúng như chẩn đoán từ xa, tôi hai vạch (dương tính).

Do ở nhà riêng, một mình và biểu hiện nhẹ nên tôi được cách ly tại nhà với túi thuốc với các loại thuốc liên quan đến các triệu chứng thường gặp của Covid-19 như sốt, ho, cũng như vitamin bổ sung…

Tác giả và những ngày kết nối sẻ chia “Tình người nơi xóm trọ” từ tháng 7 đến 9-2021

Tôi còn chuẩn bị cả một lá thư ngắn, dạng nhắn nhủ với người thân đang ở xa mình cũng như những người thân thương ở Sài Gòn quan tâm tới tôi, chủ yếu là mong họ bình yên và đừng quá đau buồn khi tôi “ra đi”. Tôi nhắc về duyên-nghiệp mà mình trải là bình thường, nếu có chết cũng là… lẽ đương nhiên thuộc về nhân-duyên được sống ngắn ngủi của mình.Mỗi ngày tôi xông và uống nước chanh, ăn uống, tập thể dục tại nhà và sau 4 ngày mất mùi, tôi dần hồi phục và test lại, kết quả một vạch (âm tính). Hậu Covid mới là điều kinh khủng hơn khi tôi có biểu khó thở, bốc hỏa trong người, khó ngủ hơn 2 tuần liên tục. Do đã chuẩn bị trước nên tôi không quá bất ngờ hay lo lắng khi virus SARS-CoV-2 “ghé thăm”. Ngoài trị liệu triệu chứng, chăm sóc sức khỏe của thân, tôi vẫn ngồi trước Phật để chiêm ngưỡng, ngắm Ngài, tập thở, rồi dành thời gian tụng kinh.

Chuẩn bị cho cái chết hay chuẩn bị tinh thần để đối mặt nỗi đau, tôi nghĩ đó là việc mình cần làm hàng ngày. Tôi biết, không phải bao giờ mình cũng chánh niệm, tỉnh thức để có thể vượt qua được nỗi sợ, lo lắng nhưng có chuẩn bị vẫn hơn.

Mỗi năm, ai cũng hân hoan đón năm mới với những hy vọng mới. Niềm tin vào sự tốt đẹp trong tương lai được thắp lên, và tất nhiên, tương lai không chỉ được tạo bởi niềm tin mà từ mỗi ý niệm, việc làm hàng ngày của mỗi người trong quá khứ và hiện tại này.

Quá khứ thì đã qua, do vậy ta chỉ có thể thay đổi (tích cực) ở hiện tại để tương lai được tươi sáng hơn. Là người, không ai tránh khỏi sai lầm nhưng ý thức sửa sai là biểu hiện của một con người dũng cảm, biết “nhìn lại để thương” (mình). Ai cũng mong sống với mùa xuân viên mãn, nhưng trước đó, điều quan trọng là phải băng qua được mùa đông với sự vững chãi, biết trồng những cây hoa phù hợp chờ xuân sang kết hương, khai nhụy.

COMMENTS

WORDPRESS: 0